Khóc thương Hai Lúa, đồng nghiệp yêu quý của chúng tôi!

Cập nhật: 17-02-2014 | 00:00:00

Trên đường đi làm về tôi liên tục nhận được tin nhắn, các cuộc gọi đến báo tin: Đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo Võ Hòa Nhân đã ra đi! Mới vừa dựng xe chưa kịp vào nhà điện thoại lại rung lên. Bên kia đầu dây chị Võ Hương, người chị, người trưởng ban đầu tiên dẫn dắt chúng tôi vào con đường làm báo nấc nghẹn: Em ơi, Hòa Nhân nó đi rồi, bỏ lại vợ với 2 đứa con thơ còn quá nhỏ dại, thương nó quá em ơi!...

Tôi ngồi bệt xuống sân như người mất hồn… Hơn 10 năm về trước chúng tôi đứa từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây cùng tìm về Báo Bình Dương, nên mọi thứ phải nhờ người địa phương dìu dắt, hướng dẫn. Hòa Nhân là người rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu còn lạ lẫm, bở ngỡ. Hình ảnh khó quên là chiếc bàn đá trước phòng bảo vệ, cứ cơm bụi xong là Hòa Nhân về đó ngả lưng ngủ khò rất ngon lành.

Hai Lúa là biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho nhà báo Võ Hòa Nhân bởi cái chất nông dân vừa mạnh mẽ, thật thà, vừa giản dị nhưng rất dễ tự ái, dễ tổn thương của một nhà báo gốc nông dân. Bởi thế mà anh được nông dân, những người làm trang trại yêu mến, quý trọng. Nhờ đó mà anh có được loạt bài khác người, tạo hiệu ứng xã hội rất tốt về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, mô hình sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả…

Mạnh mẽ, chịu “cày”, nhưng cuộc đời cứ mãi khó khăn, cực nhọc? Thời còn học đại học, người ta thuê phòng trọ ở Sài Gòn để nghỉ còn Hòa Nhân thì phải còng lưng đạp xe về Bình Dương để tranh thủ cùng gia đình làm rẫy, cuốc đất trồng tiêu. Sáng dậy sớm đạp xe từ Bình Dương về Sài Gòn, học hết buổi lại đạp xe về để không tốn tiền phòng trọ! Vất vả là vậy mà Hai Lúa cứ lạc quan: “Lao động giúp người khỏe ra”. Vào làm việc chưa được mấy năm thì mẹ bị bệnh tim nặng, chạy chữa khắp nơi mà bệnh vẫn ngày một trở nặng. Gia đình đã bán hết tài sản để lo chạy chữa mà vẫn không xong. Cuối cùng bác sĩ kết luận “phải mổ bắc cầu tim thì bệnh mới khỏi”. Chi phí ca mổ lên đến trăm triệu… Phải mất 2 năm Hòa Nhân âm thầm vay mượn, chắt chiu từng đồng nhuận bút mới đủ tiền cùng với gia đình đưa mẹ về Sài Gòn mổ tim.

Món quà hạnh phúc và giá trị nhất của Hai Lúa là một gia đình nhỏ với hai cháu bé sinh đôi một trai, một gái cứ bi bô quấn quýt suốt ngày. Yêu nghề và tự trọng, Hai Lúa không chấp nhận là tác giả của những bài báo làng nhàng thông tin, viết chiếu lệ. Vì vậy anh đã mất nhiều công sức để theo đuổi, lựa chọn đề tài hay, mới và độc đáo như: “Vén màn bí ẩn ngày 10-10-1965 trên địa đạo Tam giác sắt”,“Địa ngục trần gian bên bờ hồ thơ mộng”… Để có được tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, nhà báo phải hóa thân vào các số phận, các nhân vật để có thông tin, tư liệu thông qua các cuộc nhậu thâu đêm, hay cuộc chơi kéo dài… và Hai Lúa đã rất xuất sắc với loạt bài “Địa ngục trần gian bên bờ hồ thơ mộng”!

Sự nghiệp đang lên thì bất ngờ, căn bệnh ung thư tuyến giáp ập đến. Nó quá nhanh và bất ngờ. Trước tết mấy ngày nghe tin Hai Lúa đi bệnh viện ai cũng nghĩ bệnh rồi sẽ qua. Họp mặt đầu năm mọi người nói với nhau chuẩn bị đi thăm Hai Lúa, thì chiều nhận được tin xấu “chuẩn bị đưa anh về”!

Dẫu biết cuộc đời, sinh lão bệnh tử là quy luật, nhưng sao nó lại đến sớm quá với một con người hiền lành, chất phác như Hai Lúa. Các đồng nghiệp, những người anh em với Hai Lúa Võ Hòa Nhân chỉ biết nắm chặt tay, nhìn nhau, nước mắt lăn dài, lòng quặn thắt vì hai đứa trẻ còn quá nhỏ dại trong khi con đường phía trước còn quá dài lại thiếu vắng bóng cha!...

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=271
Quay lên trên