Trong năm 2010, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức 2 đợt cao điểm vào Tháng thanh niên và dịp Hè tình nguyện và thu được khoảng 140.000 đơn vị máu.
Theo Bộ Y tế, số lượng máu thu gom được ngày càng tăng. Năm 1994, cả nước mới chỉ thu được 138.000 đơn vị máu thì đến năm 2010, số lượng máu tiếp nhận được tăng gần 5 lần, đạt 675.438 đơn vị máu. Trong số này, máu thu được từ người hiến máu tình nguyện chiếm 84,2%.
Trong những năm qua, người dân ngày càng tham gia tích cực vào các hoạt động hiến máu. Đặc biệt từ năm 2008, từ khi tổ chức Lễ hội Xuân hồng, số lượng người biết đến và tham gia hiến máu tăng khá mạnh, đặc biệt là trong đội ngũ học sinh, sinh viên.
Đoàn viên, thanh niên đăng ký hiến máu tình nguyện
Để có sự tham gia tích cực này, phải kể đến vai trò của Đoàn Thanh niên các cấp trong việc hướng dẫn, vận động các đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Đến nay, hiến máu đã trở thành hoạt động thường xuyên, được tuổi trẻ cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Trên nhiều tuyến phố không chỉ riêng ở Hà Nội, thường xuyên có các đợt tuyên truyền và hiến máu tình nguyện với sự tham gia của số đông là các đoàn viên, thanh niên.
Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn coi hiến máu tình nguyện là một hoạt động thường xuyên trong hoạt động của mình. Qua việc làm này, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Học sinh, sinh viên là những người trẻ tuổi, họ luôn khát khao được cống hiến sức mình cho cộng đồng nên phần lớn các bạn đã chủ động đến với hoạt động hiến máu tình nguyện. Riêng trong năm 2010, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức 2 đợt cao điểm vào Tháng thanh niên và vào dịp Hè tình nguyện. Qua hai đợt, đã thu được khoảng 140.000 đơn vị máu.
Ở các tổ chức Đoàn cơ sở cũng đã có nhiều phương thức tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện như thành lập như Câu lạc bộ hiến máu, gia đình hiến máu… Chia sẻ về những phương thức tuyên truyền hiến máu của Thành Đoàn Hà Nội, anh Nguyễn Hồng Dân, Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết, để thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động này, Thành Đoàn Hà Nội đã thành lập Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Hiện nay, Hội đã thu hút được hơn 3.000 tình nguyện viên. Nhiệm vụ của các tình nguyện viên là tuyên truyền trực tiếp tại các khu vực đông dân cư, các khu ký túc xá sinh viên và hỗ trợ công tác hiến máu tại các cơ quan, đơn vị.
Trong các dịp hiến máu cao điểm, Thành Đoàn đã in ấn hàng chục ngàn tờ rơi, áp phích để dán và phát trên toàn bộ thành phố; biên tập đĩa phát thanh tuyên truyền về hiến máu phát qua hệ thống truyền thanh của 577 phường, xã/thị trấn và các cơ quan trường học.
Thành Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện vận động hiến máu tại các ký túc xá sinh viên và khu vực đông dân cư… Nhờ các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như vậy, mỗi đợt cao điểm hiến máu tình nguyện, đã có hàng nghìn đoàn viên, thanh niên và đặc biệt có rất nhiều người không ở độ tuổi thanh niên cũng tình nguyện tham gia.
Hầu hết các đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu đều đã được tiếp cận với các thông tin về hiến máu và ý thức được việc hiến máu cứu người. Với nhiều bạn, hiến máu đã trở thành trách nhiệm và việc làm thường xuyên của mình. Anh Hồ Quang Minh, Bí thư Đoàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, người đã có 34 lần hiến máu trong suốt 11 năm qua cho rằng, mỗi lần làm việc có ích cho xã hội, nhất là khi được biết có thêm một người được cứu sống nhờ dòng máu của mình, anh lại cảm thấy như chính mình được hồi sinh. Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, anh Minh còn vận động được gần 4.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện hiến máu.
Cũng quan niệm như anh Minh, bạn Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên Đại học Luật Hà Nội- người đã có trên 10 lần hiến máu và vận động nhiều người hiến tặng 3.000 đơn vị máu cho người bệnh cho rằng, hiến máu cần phải đặt yếu tố tình nguyện lên hàng đầu. Bởi đây là việc làm từ chính trái tim, mang dòng máu của mình san sẻ với những người bệnh để họ có thêm cơ hội sống. Qua 10 lần hiến máu, Nhung có thể tự tin khẳng định rằng, hiến máu hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bằng chứng là mỗi lần hiến máu xong, Nhung thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, khỏe thêm và da dẻ còn mịn màng hơn.
Ông Lê Hoàng Anh, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, để ngày càng thu hút nhiều hơn các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện, đặc biệt có những người như anh Minh, bạn Nhung, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hình thức vận động. Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liệp hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đều là thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia Hiến máu tình nguyện nên sự đóng góp của các đoàn viên, thanh niên đều được ghi nhận trong dữ liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia. Hiện nay Trung ương Đoàn đã phối hợp với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, mạng xã hội Thế hệ trẻ www.cyworld.vn tổ chức lập ngân hàng máu online. Trung ương Đoàn cũng đặc biệt chú trọng tới việc kịp thời ghi nhận, động viên, khen thưởng việc làm có ý nghĩa cao đẹp của các bạn thanh niên.
Mặc dù ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu, nhưng theo Bộ Y tế, lượng máu để đáp ứng cho nhu cầu người bệnh hiện nay đang thiếu trầm trọng. Vì thế, sự đóng góp tích cực của tổ chức Đoàn các cấp trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên hiểu được ý nghĩa của việc làm cao đẹp này là hết sức cần thiết. Như trăn trở của PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: “Máu đang còn rất thiếu cho người bệnh, rất mong mọi người chia sẻ và hành động-tham gia hiến máu cứu người”.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, đơn vị máu thu gom tối thiểu bằng 2% dân số. Đối với Việt Nam số lượng máu thu được phải tương đương 1,8 triệu đơn vị/năm. Như vậy, năm 2010 ước tính mới chỉ đạt 675.438 đơn vị máu, nước ta còn thiếu thiếu hơn 1 triệu đơn vị máu.
Theo VOV