Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa trình UBND tỉnh kết quả nghiên cứu giữa kỳ Dự án tiền khả thi xây dựng và phát triển khu vực xung quanh ga Suối Tiên và Dự án xe buýt cao tốc (BRT) nối từ Bến xe Suối Tiên về Thành phố mới Bình Dương. Theo JICA, nhờ được sắp xếp, quy hoạch lại, dọc tuyến đường xe buýt cao tốc đi qua sẽ phát triển thành chùm đô thị văn minh, hiện đại gắn với vùng đô thị bằng hệ thống hạ tầng hoàn thiện. Dự kiến, dự án sẽ hoạt động vào năm 2018 chào đón sự kiện Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Đường Phạm Ngọc Thạch sẽ là trục chính nối TP.Thủ Dầu Một với Thành phố mới Bình Dương nhờ hệ thống BRT Ảnh: D.CHÍ
Đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vừa qua, ông Tamachi, Trưởng đoàn khảo sát của JICA cho biết, Ga bến xe Suối Tiên là ga cuối cùng phía đông bắc của tuyến đường sắt đô thị số 1 (MRT1) Bến Thành - Suối Tiên và là ga cuối cùng của tuyến BRT. Lấy quốc lộ 1A làm trục đối xứng thì khu vực Bến xe miền Đông mới rộng 16 ha sẽ là nơi tập trung hành khách rất lớn. Nơi đây là điểm kết nối giao thông quan trọng, là cửa ngõ của 1 thành phố và 2 tỉnh, nên cần phải tạo sự thay đổi lớn về phương thức giao thông.
Bên cạnh đó, nâng cao tính kết nối giữa các đô thị bằng việc triển khai BRT và phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (gọi tắt là TOD), cùng với việc sắp đặt hợp lý các chức năng đô thị dọc tuyến sẽ hình thành trục đô thị mật độ cao, tạo sự thay đổi trong phương thức giao thông. Từ đó ngăn chặn tình trạng ùn tắc nhờ hạn chế được phương tiện cá nhân và gia tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đồng thời tăng lượng người đi lại trên tuyến, tạo cơ sở cho MRT được nối dài và phát triển trong tương lai. Mô hình TOD đã được Brazil áp dụng thành công tại thành phố Curitiba từ năm 1972. Lúc đó thành phố này chỉ là vùng đất không bằng phẳng, nhà cửa thưa thớt, nhưng đến năm 2012 nơi đây là một đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới.
Tạo ra giá trị gia tăng lớn
Bằng việc sắp xếp lại các chức năng đô thị một cách hợp lý, chỉ với khu vực Bến xe miền Đông mới rộng 16 ha được quy hoạch, phát triển đô thị theo hình thức những vòng tròn đồng tâm sẽ mở ra cơ hội lớn cho bất động sản phát triển. Điều này không chỉ giúp phát triển nhanh dân số dọc tuyến, tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn mang về cho tỉnh nguồn thu thuế lớn nhờ hiệu quả chuyển đổi từ công nghiệp, dịch vụ đô thị sang đô thị dịch vụ khu vực TX.Thuận An, TX.Dĩ An.
Theo thiết kế, tuyến buýt nhanh đô thị đầu tiên của Bình Dương sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2018. Lộ trình từ Bến xe miền Đông mới theo quốc lộ 1A đi qua Đại học Quốc gia về đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến trung tâm TP.Thủ Dầu Một theo đường Phạm Ngọc Thạch và kết thúc tại Thành phố mới Bình Dương. Tần suất hoạt động giữa 2 chuyến vào giờ cao điểm là 20 phút/chuyến. Năng lực vận chuyển dự kiến 1.125 hành khách/ngày; giai đoạn II (sau năm 2020) thời gian giữa 2 chuyến rút xuống còn 4 - 5 phút/chuyến và lượng hành khách dự kiến tăng lên 10.000 hành khách/ngày; giai đoạn III sau năm 2022 khoảng cách giữa 2 chuyến là 3 phút và số lượng hành khách tăng từ 15.000 đến trên 20.000 hành khách/ngày, vì người dân đã quen với phương thức giao thông mới. |
Tiếp đến là việc thiết lập làn đường ưu tiên dành cho xe buýt nhanh đô thị với nhiều hình thức: Ưu tiên hoàn toàn; ưu tiên một phần và ưu tiên theo giờ cao điểm. Song hành với làn đường ưu tiên là hệ thống tín hiệu ưu tiên tại các nút giao thông: Bằng thiết bị công nghệ hiện đại gắn trên xe trùng khớp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông qua tín hiệu hồng ngoại sẽ cho phép xe buýt nhanh “ưu tiên” đi qua các nút giao một cách nhanh chóng.
Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản.
Gấp rút hoàn thiện
Góp ý xây dựng và hoàn thiện dự án, tại cuộc họp về nội dung này vừa qua, lãnh đạo các sở, ngành đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khảo sát của đơn vị tư vấn; kết quả đã bám sát yêu cầu, mục tiêu phát triển mà UBND tỉnh đặt ra nên có tính khả thi cao. Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch phát triển và các địa phương trong tỉnh sớm trình UBND tỉnh phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị dọc tuyến vì có tính lan tỏa cao.
Cùng nhìn nhận trên, ông Huỳnh Văn Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển nhấn mạnh: “Tôi rất ấn tượng với kết quả nghiên cứu của dự án, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp để phát huy tối đa giá trị gia tăng vừa vận dụng tốt khoa học công nghệ hiện đại vào trong hoạt động. Cụ thể như hệ thống nhận diện tín hiệu của xe buýt nhanh với hệ thống đèn tín hiệu điều tiết giao thông”.
Bên cạnh đó cũng vẫn còn một số ý kiến tỏ ra băn khoăn. “Tôi hơi băn khoăn ở một vài điểm như: Hiệu quả giải quyết việc làm từ việc thu hút các nhà máy, xí nghiệp ven tuyến đường. Điều này chưa phù hợp với thực tế của địa phương vì hạ tầng của Dĩ An còn yếu, đất hẹp, người đông; tuyến đường song hành nối quốc lộ 1K với Bến xe miền Đông mới có vốn đầu tư rất lớn, hiện phía TP.HCM chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Cũng theo quy hoạch trên thì cầu nối giữa hai điểm phải là hầm chui chứ không phải cầu vượt như dự án nêu”, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho biết.
Ngoài ra, đại diện 2 Sở Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư còn yêu cầu: Hiện TP.HCM vẫn chưa có tuyến xe buýt nhanh BRT, đề nghị đơn vị tư vấn phải làm rõ và có báo cáo đánh giá về thuận lợi, khó khăn để hai địa phương cùng thống nhất phối hợp triển khai phương án kết nối. Bên cạnh đó, quỹ đất đô thị hiện nay ở các địa phương là rất hạn chế, trong khi việc đền bù giải tỏa là rất khó khăn nên đơn vị tư vấn phải định vị cụ thể với diện tích rõ ràng để địa phương và các ngành hữu quan có cơ sở điều chỉnh hoặc lên kế hoạch sử dụng đất giúp dự án triển khai đúng kế hoạch.
Tầm vóc của dự án có tác động đến cả vùng
Kết luận buổi làm việc với đoàn chuyên gia JICA vừa qua, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu, đơn vị tư vấn cần làm rõ nội dung mà các đại biểu góp ý để có cơ sở phối hợp với các địa phương liên quan. Về tổng thể dự án là rất tốt nhưng mục tiêu phát triển tuyến xe buýt BRT không vì mục tiêu phát triển công nghiệp nên đơn vị tư vấn cần phối hợp chặt với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) và các ngành hữu quan để nhanh chóng hoàn thiện dự án vì không còn nhiều thời gian theo lộ trình chính phủ đặt ra cho Bình Dương.
Đây là dự án lớn với tầm vĩ mô không chỉ liên quan giữa Bình Dương và TP.HCM, mà còn có tác động cả vùng. Do đó UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn phải có đánh giá cụ thể về hiệu quả của từng vùng đô thị và hiệu quả suốt tuyến để làm cơ sở triển khai vốn vay ODA thực hiện dự án.
DUY CHÍ