Khởi động Thành phố mới Bình Dương

Cập nhật: 26-04-2010 | 00:00:00

Nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị với 4.196 ha, hôm nay (26-4), dự án Thành phố mới (TPM) Bình Dương sẽ được UBND tỉnh và Công ty Becamex IDC tiến hành lễ khởi động xây dựng. Đây được xem là công trình trọng điểm trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương.

Một góc trung tâm Thành phố mới Bình Dương

Hoành tráng Thành phố mới

Dự án TPM Bình Dương với quy mô 1.000 ha được Chính phủ phê duyệt để trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, thành quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương trong tương lai theo định hướng quy hoạch đến năm 2020. Theo quy hoạch chi tiết, TPM sẽ bao gồm các hạng mục chính như Trung tâm chính trị - hành chính tập trung; Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; Khu công nghệ kỹ thuật cao do Tập đoàn

Mapletree (Singapore) đầu tư; trường Đại học Quốc tế Miền Đông với quy mô 24.000 sinh viên; trường Quốc tế do Tập đoàn giáo dục Kinderworld đầu tư; Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng; Văn phòng làm việc loại A; Khu ở cao cấp... nhằm phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Điểm nhấn quan trọng của TPM là Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh. Theo quy hoạch, Trung tâm chính trị - hành chính gồm các khối cơ quan Đảng (7 đơn vị); khối cơ quan quản lý Nhà nước (27 đơn vị); đơn vị trực thuộc tỉnh (1 đơn vị); khối cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương (9 đơn vị); đơn vị quản lý Nhà nước trực thuộc các sở, ngành (14 đơn vị); đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành (22 đơn vị). Hiện nay, Trung tâm chính trị - hành chính tập trung đã được Tập đoàn thiết kế CPG (Singapore) thực hiện hoàn chỉnh. Đây là bước đột phá của chính quyền tỉnh trong công cuộc cải cách hành chính, tiến tới một nền hành chính minh bạch, nhanh, hiện đại, sẽ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế ở trình độ cao.

TPM còn hướng đến là thành phố khoa học giáo dục tiên tiến, là mục tiêu lớn có ý nghĩa đặc biệt với phát triển kinh tế của tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm bằng việc xây dựng trường Đại học Quốc tế Miền Đông và Khu sản xuất - kinh doanh công nghệ cao Mapletree. Trường Đại học Quốc tế Miền Đông được xây dựng trên diện tích 26 ha tại Trung tâm TPM Bình Dương, quy mô đào tạo 24 ngàn sinh viên/năm theo hình thức đào tạo đa cấp, đa ngành. Trường sẽ tuyển sinh đào tạo vào khóa học 2010-2011 với các nhóm ngành đào tạo: kỹ thuật, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, điều dưỡng. Toàn bộ chương trình đào tạo và trang thiết bị giảng dạy đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhằm đưa hoạt động của trường đúng theo định hướng “ứng dụng - thực hành”, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho hàng chục ngàn doanh nghiệp đang kinh doanh tại Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một phần phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Cũng tại trung tâm TPM, Tập đoàn Mapletree của

Singapore đã triển khai xây dựng khu kinh doanh công nghệ kỹ thuật cao trên diện tích 75 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD. Mục đích là chuyển giao công nghệ và quy trình kinh doanh hiện đại cho Việt Nam, phục vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển công nghệ cao, chế tạo thử và phát triển sản phẩm mới, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng.

Bước đột phá mới về tư duy và hành động

Gắn liền phát triển công nghiệp, thời gian qua, Bình Dương cũng đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị để tạo sự cân bằng trong phát triển bền vững nền kinh tế, thu hút đầu tư. Nổi bật nhất là việc xây dựng Thành phố mới Bình Dương là thành phố công nghiệp hiện đại. Để tạo sự đồng bộ trong quản lý, xây dựng và phát triển, tỉnh đã mời gọi các kiến trúc sư nổi tiếng trong nước và nước ngoài thiết kế những công trình lớn, công trình tạo lực tại TPM. Chính từ việc làm này đã tạo cho các nhà quy hoạch, thiết kế, kiến trúc có thể tự hào là mình đã và đang thực hiện các chương trình đóng góp cho sự phát triển của TPM Bình Dương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đang đầu tư ở các khu công nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công cũng là nhân tố thúc đẩy để tỉnh Bình Dương tiến lên thành phố công nghiệp. TPM nằm ở vị trí trung tâm quan trọng nhất, sẽ là cửa ngõ kết nối quốc tế và giao lưu thương mại, dịch vụ và trao đổi, chuyển giao công nghệ ở trình độ khoa học tiên tiến nhất. Đó chính là phương thúc mở và hội tụ nhằm phát huy nội lực và thu hút ngoại lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với tiêu chí xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, phục vụ cho cuộc sống có văn hóa cao của 125.000 dân định cư và 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Đến nay TPM đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, đồng bộ, giao thông nối liền thông suốt trong toàn khu với mạng lưới giao thông quốc gia. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao sẽ được đầu tư xây dựng, kết nối với TP.HCM và khu vực chung quanh nhằm rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa Trung tâm thành phố Bình Dương với các trung tâm kinh tế khác, đặc biệt với TP.HCM. Hệ thống viễn thông bằng cáp quang, hệ thống điện trung, hạ thế được ngầm hóa, các khu chức năng của thành phố được bố trí hài hòa giữa tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi công trình sẽ tạo ra một đô thị hiện đại. Đặc biệt, công viên hồ nước trung tâm rộng 75 ha đã xây dựng hoàn chỉnh gây ấn tượng mạnh cho khách đến tham quan. Các nhà đầu tư vào các dự án thành phần như căn hộ cao tầng, phố thương mại, biệt thự sinh thái, trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, trường học, trung tâm thể dục thể thao, khách sạn, nhà hàng, siêu thị cao cấp đang đồng loạt động thổ xây dựng...

Công trình ích nước lợi dân

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Becamex IDC NGUYỄN VĂN HÙNG:

Xây dựng Trung tâm TPM Bình Dương là nhằm đáp ứng cho mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh. Trung bình hàng năm, Bình Dương tăng trưởng công nghiệp từ 30 - 40%, đối với GDP cũng rất cao, bình quân trên 15%, nên nhu cầu tiếp tục đáp ứng cho một giai đoạn mới về phát triển công nghiệp cũng như phát triển kinh tế thì cần phải xây dựng Trung tâm TPM này. Trung tâm TPM Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung tâm những trục vành đai của TP.HCM, trên trung tâm trục nối liền phía nam và phía bắc Bình Dương để phát triển công nghiệp trong tương lai; xa hơn nữa là đóng góp quan trọng để thúc đẩy chung vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển hơn nữa. Được tỉnh giao trọng trách xây dựng TPM Bình Dương, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) cho biết, TPM Bình Dương được định hướng là nơi hội tụ, thu hút trí tuệ và phát triển công nghệ. Định hướng đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch các phân khu chức năng, cơ sở hạ tầng, các giải pháp phù hợp với tiêu chuẩn và tầm nhìn quốc tế. Đồng thời thể hiện tính chủ động của tỉnh trong quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, tạo bước đột phá tiên phong trong lĩnh vực thu hút nguồn tri thức và công nghệ đang đổ vào Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế theo hướng tri thức, công nghệ. Thành phố trung tâm sẽ được xây dựng trước, trong quá trình phát triển sẽ được mở rộng, kết nối ra những vùng khác, tạo thành một chuỗi đô thị vệ tinh xung quanh. Xây dựng TPM là nhằm khắc phục những khiếm khuyết cũ, đáp ứng cho nhu cầu mới để tiếp tục phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế. Khi hoàn thành xây dựng, nơi đây sẽ trở thành một thành phố “công nghiệp, giáo dục và đào tạo”, đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường; cung cấp những dịch vụ tốt nhất; mô hình phát triển dựa trên các ý tưởng thiết kế mới và công nghệ mới nhằm thu hút các loại hình dịch vụ mới và công nghệ cao. Theo nhận xét của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, đây là công trình tầm cỡ quốc gia và được quy hoạch bài bản, khi hoàn thành chắc chắn sẽ là trung tâm đô thị hiện đại hàng đầu của đất nước và mang lại nhiều ích nước lợi dân.

Với kinh nghiệm trong đầu tư phát triển hạ tầng và tiềm lực mạnh, Becamex IDC đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành công công trình mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của nhân dân Bình Dương này. Chắc chắn với tiền đề khả quan như vậy, cùng năng lực và nhiệt huyết của chủ đầu tư, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, có thể tin tưởng rằng TPM Bình Dương sẽ thành hiện thực trong thời gian không xa nữa.

Nhóm PVTS

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên