Khói bốc lên sáng nay là từ lò phản ứng số 2 của nhà máy Fukushima I và Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nói không rõ nguyên nhân do đâu. Một vụ nổ đã xảy ra tại lò phản ứng này hôm thứ 3, có thể đã làm hư hỏng một bình làm mát quan trọng nằm bên dưới lõi lò phản ứng hạt nhân.
Tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết hơi nước đã bốc lên từ nhà máy sau khi trực thăng phun nước vào các lò phản ứng bị trục trặc hôm qua.
Các xe cứu hỏa giờ đây được huy động từ các khu vực cách xa nhà máy như Tokyo trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt các lò phản ứng. Truyền hình Nhật Bản hôm nay đã chiếu cảnh các máy bay chở nước đang dội nước xuống các lò phản ứng.
Các quan chức cho biết họ cũng đang hi vọng có thể sửa chữa các đường dây cáp điện từ hệ thống dây điện tại ít nhất 2 trong số 6 lò phản ứng vào hôm nay.
Điện có thể được phục hồi tại lò phản ứng số 2 sớm nhất là vào tối nay, và có thể tại lò phản ứng 3 và 4 vào Chủ nhật này.
Thậm chí nếu các kỹ sư có thể nối lại hệ thống điện, không chắc là các máy bơm nước có hoạt động hay không vì chúng có thể đã bị hư hỏng trong trận động đất và các vụ nổ sau đó.
“Cho tới nay các công việc ban đầu không tiến triển nhanh như chúng tôi mong đợi”, một quan chức từ Công ty điện Tokyo, hãng vận hành nhà máy Fukushima I, cho biết.
Cũng theo quan chức trên, các nhân viên tại nhà máy được kiểm tra nồng độ phóng xạ thường xuyên. Ông Yukiya Amano, Giám đốc IAEA, đã tới Tokyo để đánh giá mức độ nghiêm trọng ở nhà máy hạt nhân Nhật. Chánh văn phòng nội các Edano khẳng định hàm lượng phóng xạ không đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng tới sức khỏe con người, mặc dù ông thừa nhận rằng có lúc hàm lượng phóng xạ đo được lên mức cao hơn. Ông Edano cho biết lò phản ứng số 3 vẫn là mối lo ngại lớn nhất và sẽ được phun nước liên tục.4 trong tổng số 6 lò phản ứng của nhà máy Fukushima I đã gặp phải các vụ cháy, nổ hoặc bị tan chảy từng phần kể từ sau trận động đất và sóng thần xảy ra cách đây 1 tuần. Mặc dù các lõi phản ứng nơi điện được tạo ra là một mối lo ngại, nhưng nước trong các bể chứa được sử dụng để trữ nhiên liệu đã qua sử dụng cũng là những nỗi lo lớn.
Nước trong ít nhất một bể nhiên liệu - trong lò phản ứng số 3 - được tin là đang ở mức thấp nguy hiểm, khiến các thanh nhiên liệu bị phơi ra. Không có đủ nước, các thanh nhiên liệu có thể nóng hơn và phun ra phóng xạ.
“Chúng tôi xem đây là một tai nạn đặc biệt nghiêm trọng”, ông Yukiya Amano, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nói trước báo giới hôm nay ngay sau khi đặt chân tới Tokyo để đánh giá mức độ nghiêm trọng ở nhà máy hạt nhân Nhật.
“Đây là điều mà không chỉ Nhật Bản phải giải quyết mà người dân trên khắp thế giới cũng cần chung tay với Nhật Bản và những người sống trong các khu vực thảm họa”, ông Amano nhấn mạnh. Theo Dân Trí