Triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 844), ngày 20-9-2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2513/ QĐ- UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp. Thực hiện đề án cũng nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông - một trong những đơn vị tích cực thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Sinh viên nhà trường thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Các trường góp sức
Trong thời gian qua, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 844 và Quyết định số 1665 của UBND tỉnh về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 và những đề án của tỉnh, trường Đại học Thủ Dầu Một đã thành lập trung tâm thị trường lao động và khởi nghiệp vào tháng 4-2017, đồng thời triển khai đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt để thực hiện các hoạt động đào tạo và kỹ năng cho sinh viên. Từ năm 2017, nhà trường đã tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp.
Bà Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm thị trường lao động và khởi nghiệp trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết năm 2019 nhà trường tổ chức các cuộc thi tại trường. Kết quả đáng chú ý là dự án bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm của trường đã đạt giải ba tại vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019. Khi ra những sân chơi lớn, sinh viên nhận thấy được khả năng của mình có thể sẽ phát triển nhiều hơn nữa để thể hiện được những ý tưởng của mình.
Bạn Phạm Chí Trọng, sinh viên năm 4, Khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khởi nghiệp - thành viên đội đạt giải ba tại vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019, chia sẻ: “Trong những năm qua, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tạo điều kiện để sinh viên tham gia khởi nghiệp. Tham gia cuộc thi vừa rồi, nhóm của em đã được các thầy cô quan tâm chỉ dạy giúp nghiên cứu hoàn thành đề tài bộ xét nghiệm nhanh formol trong thực phẩm. Nhờ đó, chúng em có thời gian dài để chuẩn bị kỹ trước khi bước vào kỳ thi”.
Các sinh viên đạt giải ba tại vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tỉnh, Tổng Công ty Becamex IDC cùng với trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Becamex (BBI). Đây là nơi hỗ trợ các bạn sinh viên, giảng viên EIU, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh và các địa phương lân cận thực hiện những bước đầu trong việc hoàn thành giấc mơ khởi nghiệp.
Hiện BBI có 8 công ty khởi nghiệp đang hoạt động, trong đó có 3 công ty vốn đầu tư của nước ngoài (Singapore). Các công ty hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực phát triển phần mềm, công nghệ thông tin, robot… Các công ty trong BBI đã phối hợp với EIU tuyển dụng nhiều sinh viên của EIU trở thành nhân viên, thực tập sinh của công ty.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU, nói: “Chúng tôi đã đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp do Tổng Công ty Becamex IDC tài trợ, hoạt động trong khuôn viên trường. Đặc biệt, vườn ươm còn trang bị kiến thức khởi nghiệp, tạo ra môi trường để kích thích sự sáng tạo và đổi mới. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp được thành lập tại vườn ươm này, trong đó có cả doanh nghiệp của sinh viên kết hợp với giảng viên, doanh nghiệp của Mỹ. EIU kỳ vọng vừa cung cấp nhân lực nhưng cũng tạo ra môi trường khởi nghiệp, tạo ra một vùng đất thu hút người tài để đóng góp thiết thực vào mô hình “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) xây dựng thành phố thông minh”.
Hỗ trợ khởi nghiệp từ cơ chế, chính sách
Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được ban hành kèm theo Quyết định số 2513/QĐ- UBND với nhiều mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn 2017-2018 và 2019-2020. Mỗi giai đoạn có những kế hoạch hành động phù hợp. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy định cụ thể về chính sách (trong đó có nội dung, mức chi) cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để giải quyết vấn đề này, vừa qua UBND tỉnh đã có tờ trình trình HĐND tỉnh đề nghị xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đánh giá của ngành chức năng, đây là việc làm cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa các nội dung do văn bản cấp trên giao và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới tỉnh sẽ từng bước hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động khởi nghiệp. Cùng với đó, tỉnh sẽ phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đưa nội dung đào tạo về những phương pháp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu là đến năm 2020, tỉnh hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển 3 phòng thí nghiệm/thực nghiệm, 3 vườn ươm công nghệ và hỗ trợ khoảng 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ giúp tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng. Đây cũng là giải pháp nhằm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp lớn trong cả nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu; cùng với đó tăng cường hợp tác công - tư, thúc đẩy liên kết “3 nhà” theo định hướng phát triển của tỉnh hiện nay. |
PHƯƠNG LÊ