Khởi nghiệp từ xúc xích Việt
Bắt đầu từ kinh nghiệm
Tốt nghiệp chuyên ngành hóa thực phẩm, trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chị Vũ Thị Minh Loan liên tục nhận được nhiều lời mời về làm việc của các công ty sản xuất thực phẩm lớn của nước ngoài tại Việt Nam. Trải qua nhiều công ty khác nhau như Sanmiguel, Asia Foods, giải khát Quang Minh, Conell Bross… cô gái gốc Bình Định này liên tục học hỏi và tích lũy kinh nghiệm sản xuất thực phẩm nguội từ nước ngoài. “Do sinh ra và lớn lên từ làng nghề nem Chợ Huyện rất nổi tiếng của Bình Định nên tôi ấp ủ giấc mơ sản xuất thịt nguội từ khi còn đi học. Bởi thế, dù làm việc ở nhiều công ty khác nhau nhưng tôi quyết định tìm hiểu công nghệ sản xuất loại thực phẩm đặc thù này”, chị Loan cho biết thêm.
Xúc xích của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Việt đứng vững trên thị trường nhờ chọn được hướng đi riêng Ảnh: KHÁNH VINH
Điều đặc biệt là trong suốt hơn 10 năm làm việc cho các công ty nước ngoài, chị Loan liên tục… nhảy việc qua hàng loạt các công ty sừng sỏ với nhiều vị trí khác nhau như kỹ thuật chế biến, marketing, nghiên cứu phát triển thị trường, giám đốc nhà máy… Từ đây, chị dần nắm bắt và sở hữu các công đoạn của một quy trình sản xuất thực phẩm nguội, đặc biệt là xúc xích và cả kinh nghiệm quản lý, điều hành công ty.
Nắm được thời cơ, năm 2011, chị Vũ Thị Minh Loan quyết định rời vị trí hấp dẫn ở Công ty Sanmiguel với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng để ra mở cơ sở sản xuất xúc xích riêng cho bản thân mình. Khởi nghiệp bằng đồng vốn ít ỏi tự tích lũy nhưng lại có kinh nghiệm dồi dào từ nhiều năm làm ở nhiều vị trí khác nhau của các công ty lớn, chị Loan không hề e dè cho kế hoạch táo bạo của mình. Chị cho biết: “Thực ra xúc xích là món ăn xuất phát từ Đức và thông dụng ở phương Tây nhưng ở thời điểm này giới trẻ Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và làm quen với nó. Chính vì thế, cũng đã đến lúc cho ra đời sản phẩm xúc xích thuần Việt cho khẩu vị người Việt”.
Với số vốn nhỏ, cơ sở chế biến thực phẩm Việt ra đời không ầm ĩ, bắt đầu từ việc cung cấp chả lụa, dăm bông cho một số tiệm thức ăn nhanh, tủ bánh mì. Sau đó, dần dần cơ sở này dấn sâu vào việc sản xuất sản phẩm đặc thù là xúc xích. May mắn của cơ sở chính là việc tìm kiếm được đối tác có tiềm lực mạnh tại Hà Nội, nơi được xem là thị trường chính của xúc xích Việt Nam. Nhờ có hương vị thuần Việt và giá cả cạnh tranh tốt, đến nay xúc xích Việt đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và nhanh chóng khẳng định vị thế, thương hiệu.
Mô hình thực phẩm thuần Việt
Tại hội nghị sơ kết hoạt động các mô hình sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị Bình Dương vào tháng 3-2014, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi bắt gặp bài tham luận theo lời mời của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Dương của chị Vũ Thị Minh Loan. Theo đó, cơ sở của chị đã phát triển nhanh đến chóng mặt. Từ con số nhỏ nhoi lúc khởi nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm Việt nhanh chóng phát triển, đạt quy mô sản xuất 200 tấn/ năm, tốc độ tăng trưởng 130% so với năm 2011.
Chú trọng nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm
Là một trong những cơ sở chế biến thực phẩm tươi sống của Bình Dương nên cơ chể chế biến, kinh doanh thực phẩm Việt được đặt dưới sự quản lý của Chi cục Thú y Bình Dương. Theo đó, không chỉ nguyên liệu đầu vào được kiểm dịch đúng quy trình mà dụng cụ chế biến, xe lạnh… đều được vệ sinh, khử trùng liên tục. Sản phẩm chế biến ra đều phải có mộc kiểm soát, kiểm dịch của thú y mới được đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra, công nhân của cơ sở đều thực hiện khám sức khỏe định kỳ và tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm đầy đủ.
Tôi hỏi do đâu mà có con số phát triển ấn tượng đó, chị Loan vui vẻ cho biết đó là vì xúc xích của cơ sở đã mang lại một hương vị rất khác so với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bởi các hãng thực phẩm lớn trong và ngoài nước. Đến nay, cơ sở đã sản xuất nhiều loại xúc xích khác nhau như xúc xích Đức, xúc xích Mexico, xúc xích chua Thái, xúc xích hồ lô… Một điểm chung dễ nhận ra là dù loại nào đi nữa thì xúc xích của cơ sở đều có gia vị từ tỏi, tiêu, ớt… được xem là khá đặc trưng cho văn hóa ẩm thực người Việt. Một điều đặc biệt nữa là giá cả rất rẻ, chỉ từ 60.000 - 130.000 đồng/kg xúc xích thành phẩm, rất vừa túi tiền của người tiêu dùng trong nước.
Tuy gặt hái được thành công bước đầu và có được doanh thu ổn định, được thị trường chấp nhận nhưng mục tiêu của cơ sở là cao hơn. Bởi năm 2012, cơ sở đã đầu tư mua dây chuyền máy móc sản xuất tự động từ Đức trị giá 8 tỷ đồng, đầu tư 6 kho lạnh cỡ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đây, chị Vũ Thị Minh Loan có những chiến lược dài hơi hơn cho sản phẩm của mình: “Mục tiêu trước mắt, cơ sở chế biến thực phẩm Việt sẽ phát triển sản phẩm chế biến từ thịt để đi vào kênh nhà hàng, khách sạn dưới 3 sao. Năm 2014, chúng tôi tiếp tục phát triển các sản phẩm chế biến từ thủy sản, thịt cá sấu để xa hơn nữa sẽ vào các siêu thị trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
KHÁNH VINH