Khôi phục làng nghề truyền thống: Cần có những “cú hích” quyết liệt hơn!

Cập nhật: 25-02-2014 | 00:00:00

 Những kết quả bước đầu

Trao đổi về tiến độ thực hiện các dự án ưu tiên trong quy hoạch này, ông Phan Văn Nam, cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn Bình Dương, cho biết: “Hiện chi cục đang xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống” và “Đầu tư xây dựng mô hình gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh” (UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn 2799/UBND-KTN vào cuối năm 2012). Chi cục cũng đang triển khai thực hiện dự án Sơ chế bảo quản trái cây quy mô nông hộ (UBND tỉnh phê duyệt dự án vào cuối năm 2013). Nội dung dự án hỗ trợ tư vấn và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho hộ Ngô Minh Hùng (sản phẩm bưởi), hộ Trần Minh Mẫn (sản phẩm cam) và hộ Nhị Văn Xum (sản phẩm quýt, chôm chôm, nhãn); hỗ trợ một phần thiết bị công nghệ đóng gói và bảo quản trái bưởi cho hộ Lê Văn Xê. Tổng vốn thực hiện dự án gần 600 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các nông hộ gần 500 triệu đồng, vốn ngân sách hơn 100 triệu đồng”.   Hoàn tất sản phẩm gỗ tiện xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc (Tân Uyên) 

Trên thực tế, bộ mặt nông thôn Bình Dương không ngừng khởi sắc từ việc thực hiện các chương trình xây dựng NTM, cùng các chương trình lồng ghép của địa phương, các ngành, các cấp. Nổi bật nhất là huyện Tân Uyên với mô hình Phát triển ngành nghề bảo quản, chế biến rau tại HTX Sản xuất nấm ăn (xã Tân Định) và thị trấn Uyên Hưng gắn với dự án “Chuyển giao kỹ thuật trồng và hướng dẫn chế biến một số sản phẩm từ nấm ăn”. Tại thị trấn Uyên Hưng còn có tổ sản xuất rau an toàn gắn với dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau cải an toàn, theo hướng liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm”.

Để “chia lửa” với các ngành nghề truyền thống trong thời buổi khó khăn, trong năm 2013, Sở Công Thương cũng đã tổ chức Chương trình tập huấn “Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và thiết kế mẫu mã sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp” cho 50 doanh nghiệp.

Nhiều khó khăn từ cơ sở

Tuy có nhiều khởi sắc từ các dự án nông nghiệp, song các ngành nghề thủ công thì khó khăn vô cùng. Một số nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Theo báo cáo của huyện Tân Uyên, nghề mây tre đan ở xã Lạc An đã có từ lâu đời, thời hưng thịnh có đến 50 hộ, nhưng hiện chỉ còn 15 - 20 hộ. Do mức thu nhập thấp, lao động chuyển sang các ngành nghề khác. Ngoài ra, còn do nguyên liệu cạn kiệt dần. Trong khi giá bán một sản phẩm quạt chỉ 4.000 đồng/cái, còn rổ chỉ 8.000 - 10.000 đồng/ cái! Tại TP.TDM, đến nay chỉ được công nhận một làng nghề truyền thống là sơn mài Tương Bình Hiệp. Riêng nghề mộc gia dụng và điêu khắc ở phường Phú Thọ và Chánh Nghĩa chưa công nhận và thực trạng của 2 nghề này hiện nay đang sản xuất cầm chừng và khó có cơ hội phát triển”.

Tại TX.Thuận An và huyện Tân Uyên (theo quy hoạch thuộc vùng 1, vùng phía Nam, ưu tiên phát triển ngành nghề ven đô thị) cũng trong điều kiện khó khăn. Theo định hướng đến năm 2015, TX.Thuận An trở thành đô thị loại 3, hình thành nhiều khu vực đô thị. Địa phương này tiếp tục di dời các ngành nghề ô nhiễm môi trường sinh thái. Nghề gốm sứ, heo đất… thu hẹp dần. Huyện Tân Uyên cũng trong tình trạng tương tự. Trước đây, thị trấn Tân Phước Khánh vang bóng một thời với nghề gốm sứ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời hầu hết các cơ sở gốm sứ (do gây ô nhiễm môi trường) về Khu công nghiệp Đất Cuốc. Hiện chỉ còn khoảng 10 cơ sở gia công làm chén đựng mủ cao su và một ít cơ sở đầu tư công nghệ mới, nên khó khôi phục làng nghề gốm sứ theo đúng quy hoạch. Đối với nghề làm lò gạch thủ công cũng phải di dời về phía Bắc của huyện, chỉ còn một số cơ sở ở các xã Thạnh Phước, Khánh Bình gắn liền với cụm sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng phải chuyển đổi công nghệ mới”.

Cần có những cú hích quyết liệt

Tuy là địa phương nổi danh hàng trăm năm nay với nhiều nghề và làng nghề truyền thống, song do khó khăn kinh tế, nghề, rồi cả làng nghề truyền thống ở Bình Dương teo tóp dần, nhiều nghề đang có nguy cơ thất truyền. Nếu hộ nào còn “dũng cảm” duy trì sản xuất, kinh doanh thì đa số có quy mô nhỏ, máy móc thiết bị đúng nghĩa “cổ truyền”. Trên cái nhìn tổng thể, để khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống, rất cần các chính sách tài chính, sự hỗ trợ thiết bị máy móc công nghệ hiện đại để thay thế dần những máy móc cũ, lạc hậu, khuyến khích chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất có tính cạnh tranh cao. Nhìn riêng từng nghề, làng nghề, rất cần sự kết nối, hỗ trợ để vực dậy, “kéo” nhau cùng phát triển.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Đối với dự án xây dựng chương trình liên kết nông nghiệp nông thôn với du lịch, gắn tour du lịch với các điểm tham quan làng nghề truyền thống và các điểm du lịch sinh thái, đề nghị nghiên cứu việc liên kết với các vùng lân cận, để xây dựng mạng lưới du lịch mở rộng từ TP.HCM (địa đạo Củ Chi), Bình Dương (vườn cây trái Lái Thiêu, Đại Nam, làng tre Phú An, rừng lịch sử Kiến An, núi Cậu Dầu Tiếng và Tây Ninh (núi Bà Đen).

Đặt vấn đề khôi phục làng nghề, tạo bước đột phá cho lộ trình xây dựng NTM, các địa phương, ngành chức năng cần sớm có những “cú hích” quyết liệt, bắt tay thực hiện ngay bước quan trọng nhất, căn cơ nhất mà các ngành nghề đang đau đáu ngóng trông. Bên cạnh “đầu vào” nguyên liệu, các dự án khôi phục làng nghề rất cần các chính sách tài chính, tín dụng, đất đai, đào tạo nghề, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với các HTX, tạo điều kiện cho các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị công nghệ. Điều quan trọng không kém chính là “đầu ra” sản phẩm. Giải quyết được những vấn đề đặt ra, kết hợp với lòng yêu nghề của nghệ nhân làng nghề, hy vọng những làng nghề truyền thống của Bình Dương sẽ phục hồi và phát triển.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=370
Quay lên trên