Ngay từ đầu năm, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Tỉnh đã thành lập các tổ công tác theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31- 10, tổng giá trị giải ngân 3.828 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch năm 2022 HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 34,2% kế hoạch) và đạt 43,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến giải ngân cả năm 2022 là 7.184 tỷ đồng, đạt 79,3% kế hoạch.
Tín hiệu đáng mừng là những tháng cuối năm, việc thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng tốc đáng ghi nhận. Các địa phương như Thuận An, Tân Uyên… đã tháo gỡ được một số khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh các công trình trọng điểm. Đặc biệt, đến nay tuyến Quốc lộ 13 mở rộng đã áp giá đền bù cho từng vị trí, kỳ vọng mở ra những cú hích mới trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Những năm trước đây, thời điểm cuối năm được xem là thời gian chạy nước rút trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, năm 2022, khi Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (ngày 11-11-2021) quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công được áp dụng, tổng mức vốn tạm ứng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư bảo đảm không vượt quá 30% giá trị hợp đồng là một thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Quy định mới đã giảm đi 20% so với trước đây.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, trong đó quan trọng nhất là vấn đề giá. Cùng với đó, các tổ công tác và các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Kỳ vọng những nỗ lực nói trên có thể tháo gỡ khó khăn, hóa giải những thách thức, hoàn thành mục tiêu đề ra.
TIỂU MY