Khơi thông, chào đón dòng vốn đầu tư mới

Cập nhật: 12-01-2023 | 09:18:45

Bình Dương đã và đang nâng tầm các giá trị, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát huy hiệu quả nguồn vốn thế hệ mới, thiết lập “sân chơi” mang tính bền vững, thúc đẩy phát triển hài hòa.

 Thaco Industries kỳ vọng khu công nghiệp hỗ trợ triển khai tại Bình Dương góp phần tạo ra “sân chơi” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước giao thương, hợp tác. Trong ảnh: Gian hàng Thaco Industries tham gia triển lãm máy móc ngành cơ khí chế tạo tổ chức tại Bình Dương năm 2022

 Sức hút từ môi trường đầu tư

Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 3,13 tỷ đô la Mỹ, bằng 118% so với cùng kỳ năm 2021. Tính theo địa bàn đầu tư, trong các khu công nghiệp (KCN) thu hút 56 dự án đầu tư mới, 3 dự án điều chỉnh tăng vốn, 63 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,16 tỷ đô la Mỹ, bằng 135% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 67% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Bên ngoài các KCN thu hút 14 dự án đầu tư mới, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn, 110 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ đô la Mỹ, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 33% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Triển vọng mở ra khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 52 dự án đầu tư đăng ký mới, 21 lượt dự án điều chỉnh vốn và 118 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn gần 2 tỷ đô la Mỹ, chiếm 63.38% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,12 tỷ đô la Mỹ, chiếm 35.88% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Tính theo đối tác đầu tư, trong năm 2022, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Trong đó, Đan Mạch đứng thứ nhất với tổng vốn 1,34 tỷ đô la Mỹ, chiếm 43% tổng vốn đầu tư đăng ký, Hà Lan đứng thứ 2 với tổng vốn hơn 609 triệu đô la Mỹ, chiếm 19,4% tổng vốn đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 274,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Ông Lai Wen Shu, Tổng Giám đốc Công ty Điện cơ Teco Việt Nam (KCN Mỹ Phước 3), cho biết: “Sau dịch bệnh Covid-19, chính quyền tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ hết mình để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Teco Việt Nam cũng vừa nhận được giải thưởng Taiwan Excellence - giải thưởng thường niên, tôn vinh các doanh nghiệp có những bước tiến xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất. Đây là cơ hội để Teco Việt Nam được tiếp xúc với nhiều đối tác, được quảng bá nhiều hơn”. Ông Lai Wen Shu, cho biết thêm khi đầu tư vào Bình Dương, công ty cũng định hướng sản xuất “sản phẩm mô tơ xanh” dẫn đầu ngành công nghiệp, phát triển động cơ siêu hiệu suất cao, giảm tiêu thụ năng lượng. Các sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và đã vượt qua các bài kiểm tra đa quốc gia. Điều này là minh chứng cho môi trường đầu tư hiệu quả tại Bình Dương.

Ông Preben Enef, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Lego Việt Nam thể hiện cam kết sẽ đưa nhà máy vào hoạt động trong tháng 6-2024 đúng như tiến độ để tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại Bình Dương. Ông tin tưởng nhà máy tại Bình Dương sẽ đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả và mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện để phát triển.

Bền vững và khả thi

Để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư thế hệ mới, UBND tỉnh nỗ lực không ngừng tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư trên tất cả các lĩnh vực như phát triển chuỗi cung ứng, logistics, phát triển xanh theo đúng định hướng của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries), cho biết UBND tỉnh Bình Dương vừa ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) để xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ trên địa bàn, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ). Kỳ vọng dự án này góp phần tạo ra “sân chơi” cho các nhà đầu tư giao thương, hợp tác, thu hút thêm dòng vốn ngoại chất lượng cao. Kỳ vọng đây là KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới tỉnh tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành KCN thông minh. Tập trung hơn vào việc hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, phát triển các ngành công nghiệp phụtrợnhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo điều kiện để phát huy nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển. Tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông liên kết vùng bằng việc đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, đủ sức đáp ứng “sức nặng” của nền kinh tế.

Tỉnh cũng lựa chọn, ưu tiên nhà đầu tư có tầm nhìn, chất lượng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

 Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang thực hiện di dời và tái định cư các doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực phía nam quanh các đô thị lên khu vực phía bắc. Từ việc di dời sẽ có thể tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo của Bình Dương khi khu vực phía bắc thực sự chuyển mình thành trung tâm công nghiệp - khoa học công nghệ mới và khu vực phía nam thành trung tâm của các đô thị chất lượng cao.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=252
Quay lên trên