Phát huy thế mạnh về vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, nằm trên đường hướng tâm đối ngoại của vùng TP.Hồ Chí Minh... trong giai đoạn mới TP.Thủ Dầu Một tiếp tục có nhiều triển vọng bứt phá phát triển.

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Với lợi thế hạ tầng giao thông kết nối vùng thuận lợi, công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy TP.Thủ Dầu Một vươn lên trở thành khu vực phát triển đồng đều các lĩnh vực. Theo quy hoạch, trong quá trình phát triển giao thông tại TP.Thủ Dầu Một đang và sẽ được đa dạng hóa, từ đường sắt, đường bộ đến đường thủy… qua đó hoàn thiện chuỗi logistics phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Trong đó, các tuyến Metro số 1 và số 2 kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh được tỉnh ưu tiên đầu tư, tạo mạng lưới vận tải công cộng hiện đại, mở ra không gian phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân, sẽ góp phần taọ ra lực đẩy phát triển cho khu vực TP.Thủ Dầu Một trong thời gian tới.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến Metro số 1 đi qua 4 địa phương tỉnh Bình Dương, gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, với 19 nhà ga và 1 depot. Đồng thời, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị (metro). Đối với tuyến Metro số 2, Bình Dương đang đẩy mạnh công tác khảo sát, thu thập dữ liệu phục vụ việc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Về hướng tuyến, Metro số 2 dài hơn 23km, đi từ trung tâm TP.Thủ Dầu Một đến ngã tư Bình Phước (TP.Hồ Chí Minh), chạy dọc Quốc lộ 13 đấu nối vào ga Hiệp Bình Phước (tuyến Metro 3B TP.Hồ Chí Minh) sẽ trở thành trục động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu vực TP.Thuận An (Bình Dương).
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC Bình Dương), cho biết với những định hướng của địa phương, thành phố mới sẽ trở thành trung tâm giao thương thương mại thế giới mới kết nối không chỉ giao thương các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam mà cả toàn cầu. Những hoạt động giao thương, kết nối mang tầm quốc tế sẽ là động lực để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng chiến lược kinh doanh, phát triển. Việc WTC Bình Dương hình thành sẽ là trung tâm kết nối thuận tiện hơn đối với những sự kiện giao thương đa ngành.
“Việc xây dựng Dự án khu phức hợp vòng xoay A1 (WTC Gateway) nằm ngay vòng xoay trung tâm thành phố mới Bình Dương, liền kề với Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Bình Dương, nhằm tạo ra tính kết nối và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển thương mại quốc tế, phát triển Bình Dương trở thành một điểm đến năng động, đa dạng về dịch vụ, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng phát triển đến thương mại toàn cầu, đồng thời tăng sức hút cho các dự án bất động sản trong khu vực”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh cho biết.
Trên thực tế, WTC Gateway đang được coi là công trình biểu tượng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà bán lẻ, dịch vụ giải trí… để cung cấp và nâng cao phong cách sống cho người dân, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp địa phương. Với hấp lực mạnh như vậy, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã xuất hiện các thương hiệu lớn, nhỏ như Family Mart, Vin Mart+, Co.opFood, Bách hóa xanh, Lotte, Central Group, Circle K…
Thúc đẩy phát triển logistics đường sông
Tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương trong Hội đồng vùng Đông Nam bộ vừa qua, định hướng “đánh thức” tài nguyên ven sông được xác định là mục tiêu quan trọng và được xây dựng trở thành chương trình phát triển liên tỉnh, thành thứ 2 ở Đông Nam bộ sau dự án đường Vành đai 3. Dự án phát triển sông Sài Gòn là tổ hợp bao gồm trục giao thông đường bộ và đường thủy, trục kiến trúc và quy hoạch không gian, trục phát triển kinh tế - dịch vụ - du lịch, trục cảnh quan - môi trường, trục văn hóa - di sản và tâm linh, trục cư trú xã hội.
Trong đó, 2 địa phương đầu tàu là TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đang ưu tiên triển khai sớm đường ven sông Sài Gòn kết nối 2 địa phương với quy mô 4-8 làn xe. Tuyến đường ven sông này sẽ kết nối từ cầu cảng Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình, giáp TP.Hồ Chí Minh, tổng chiều dài toàn tuyến trên 13km và được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của TP.Thủ Dầu Một. Tuyến đường ven sông Sài Gòn trong tương lai kết hợp với đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cầu Bình Gởi, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - TP.Thủ Dầu Một - Chơn Thành cùng các tuyến đường thủy sẽ khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch; phát triển đô thị dọc tuyến sông.
Tại TP.Thủ Dầu Một, hệ thống cảng sông cũng được địa phương quan tâm thu hút đầu tư, tiêu biểu là cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ). Cảng được quy hoạch thành cảng hành khách có quy mô 10 ha để phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn. Định hướng mở rộng cảng Bà Lụa giúp nâng tầm diện mạo của địa phương nói riêng vùng lân cận nói chung. Bên cạnh đó, Bình Dương đã và đang huy động tối đa các nguồn lực, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển đô thị khu vực phía Tây - Tây Bắc và khu vực ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Tuyến Metro 3B TP.Hồ Chí Minh được quy hoạch để kết nối TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) với TP.Thủ Dầu Một. Tổng chiều dài của tuyến khoảng 12,2km, gồm 8 ga ngầm và 2 ga trên cao. Lộ trình của tuyến Metro 3B bắt đầu từ ngã 6 Cộng Hòa đi qua trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.Hồ Chí Minh) - Quốc lộ 13 và kết thúc tại ga Depot Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức). Theo quy hoạch, trong tương lai tuyến metro này sẽ kéo dài đến TP.Thủ Dầu Một, dọc theo Quốc lộ 13, đồng thời kết nối với tuyến Metro số 1 của Bình Dương. Tiếp đó, tuyến sẽ được đấu nối đến Chơn Thành và cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), đi song song với Quốc lộ 13 và cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư (CT.30). |
TIỂU MY - CHÂU TIẾN