Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển bền vững - Kỳ 2

Cập nhật: 19-05-2022 | 07:51:50

Kỳ 2: Nâng tầm các khu công nghiệp

 Với các chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Bình Dương đang tập trung thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng các KCN theo hướng hiện đại, đồng bộ để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư hiệu quả, chất lượng hơn.

 Bình Dương đã sớm chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP I đồng bộ hạ tầng, xanh sạch đẹp, gắn với phát triển đô thị của địa phương

 Sức hút từ sự bền vững

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong những năm qua, các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các KCN của tỉnh tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI. Kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh để phát triển kinh tế, đặc biệt là vào các KCN tập trung trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN, đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.

So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Tính đến thời điểm hiện nay, đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.670 ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.624 ha, các KCN đã cho thuê đất với tổng diện tích trên 6.836 ha, tỷ lệ lấp đầy 90%. Hiện các KCN trong tỉnh đã thu hút 2.342 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 26 tỷ đô la Mỹ và 672 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 87.000 tỷ đồng.

Với quan điểm lấy cơ sở hạ tầng làm lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư, thời gian qua Bình Dương luôn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Bình Dương là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số cơ sở hạ tầng theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh Bình Dương bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, kết nối với các trục giao thông quan trọng với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Nhờ đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, nhưng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục “chảy’ mạnh vào tỉnh, chỉ số công nghiệp tiếp đà tăng trưởng tốt.

Hướng đến hệ sinh thái công nghiệp mới

Với kinh nghiệm triển khai xây dựng hạ tầng KCN trong hành trình dài đã qua, hiện nay, tỉnh đang lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.

GS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc “động thổ” VSIP 3 mới diễn ra cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, khác hẳn về chất so với “hệ sinh thái công nghiệp đời cũ” đã từng được phát triển tại Bình Dương với các thế hệ VSIP 1 và VSIP 2. Việc thay đổi chiến lược thu hút FDI, chuyển sang ưu tiên FDI công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, đi kèm với chiến lược thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số cũng chỉ mới được khẳng định về mặt đường lối những năm gần đây. Bình Dương là một trong số ít địa phương đã “vượt trước” trong sự lựa chọn thay đổi này.

Phát biểu tại lễ động thổ KCN VSIP 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Bình Dương là địa phương có nhiều khu VSIP nhất tại Việt Nam và mỗi dự án đánh dấu một bước phát triển mới, đặc biệt là dự án VSIP 3 được triển khai theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất, phù hợp với xu thế của thế giới và của Việt Nam.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết chủ trương đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.

“Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm... Để phát triển công nghiệp bền vững, tạo bước đột phá sản xuất, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao, tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo”, trong đó có KCN khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng. Trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh. (Còn tiếp)

 Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tại Bình Dương đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, mà được đầu tư xây dựng theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là chủ yếu. Trong các KCN đã thành lập có 2 KCN do doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.816 tỷ đồng; 3 KCN liên doanh với vốn đầu tư 11.581 tỷ đồng. Các KCN còn lại do các tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.406 tỷ đồng. Tỉnh đang xây dựng KCN khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=627
Quay lên trên