Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển bền vững – Kỳ cuối

Cập nhật: 21-05-2022 | 09:44:35

Kỳ cuối: Thu hút, bồi dưỡng nguồn lực con người

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cùng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế đã được Bình Dương chú trọng. Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục huy động có hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững, tạo giá trị gia tăng mới cho kinh tế địa phương.


Bình Dương luôn kiên định với triết lý phát triển “lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược”, chú trọng đầu tư cho hệ thống trường đại học và cao đẳng nghề chất lượng cao. Ảnh: XUÂN THI

Đột phá phát triển nhân lực

Thực tế trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Bình Dương đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách trên tinh thần “trải thảm đỏ thu nhút nhân tài”. Nhưng trên bình diện chung có thể nhận định, nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật cao, có năng lực sáng tạo, khả năng điều hành vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế phát triển. Mỗi năm, Bình Dương cần tuyển khoảng 50.000 lao động, trong đó phấn đấu hơn 70% lao động đã qua đào tạo nghề. Để thực hiện được điều này, tỉnh đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ, trong đó có chiến lược thu hút nguồn nhân lực.

Tuy vậy, nhìn vào con số thống kê về chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp (DN) FDI nói chung hiện nay có thể thấy, tới 37% lao động được tuyển dụng chưa đáp ứng được công việc, gần 40% DN đang thiếu hụt lao động. Nhiều công ty phải mất 1 - 2 năm đào tạo lại lực lượng lao động. Theo ông Wu Chung Ying, Chủ tịch Chi hội Thương gia Đài Loan tỉnh Bình Dương: “Mọi điều kiện đầu tư ở Bình Dương đều rất tốt, tuy nhiên với khó khăn hiện tại về nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng, nhiều DN FDI phải đắn đo có nên tiếp tục đầu tư tại Bình Dương hay chuyển đến một địa phương khác. Đây cũng là là câu hỏi lớn với nhiều DN Đài Loan. Lãnh đạo tỉnh nên có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ DN về nhân lực chất lượng cao để chúng tôi yên tâm đầu tư lâu dài”.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình trạng thiếu lao động tại tỉnh càng trầm trọng hơn. Các DN gấp rút triển khai nhiều biện pháp, hình thức tuyển lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong số 22.764 DN có 17,8% DN bị thiếu lao động. Tỷ lệ DN thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam bộ, trong đó Bình Dương là 36,9%.

TS. Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định sự tăng trưởng và phát triển xã hội. Xác định vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong những năm trở lại đây, Bình Dương tận dụng lợi thế với tốc độ tăng dân số khá cao, chủ yếu là tăng cơ học. Trong đó, hơn 50% dân số của tỉnh là lao động ngoài tỉnh, lực lượng này góp phần tạo “độ mở”, sự giao thoa về văn hóa, con người, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của toàn tỉnh.

Để tiếp tục giữ chân người lao động và nâng cao trình độ, năng lực của lao động, Bình Dương đang tiếp tục chú trọng đầu tư cho các hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó hệ thống trường đại học và cao đẳng nghề được quan tâm đầu tư hiện đại, hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của DN trước xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Song song với việc xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tập trung vào những ngành khoa học chủ điểm, tỉnh cần phải có những chính sách đãi ngộ nhân tài tương xứng, thu hút những người có năng lực, kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực, qua đó trực tiếp thực thi các chiến lược phát triển được đề ra.

Xây dựng xã hội nhân văn, bền vững

Sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững, điều này được rút ra từ sự thành công của mô hình phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái hoàn thiện của Bình Dương. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, sự ra đời của liên doanh KCN Việt Nam - Singapore đã mang đến cho Bình Dương một góc nhìn mới, một mô hình chuẩn mới, dần hình thành khái niệm “phát triển không chỉ có công nghiệp”. Các KCN sẽ không thể tồn tại một cách bền vững nếu như đan xen với nó không có các khu đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, các khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ những người dân trong diện đền bù giải tỏa. Ngoài ra còn là hệ thống các dịch vụ tiện ích xã hội như y tế, trường học, dịch vụ khác…

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đã đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 1 triệu căn nhà ở xã hội vì mục tiêu an cư lập nghiệp của nhân dân, người lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Việc xây dựng dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là rất quan trọng và luôn được tỉnh quan tâm. Quan điểm chung, xuyên suốt về định hướng phát triển nhà ở của tỉnh Bình Dương là thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng chính sách, công nhân và người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

“Bình Dương luôn kiên định với triết lý phát triển “lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược”, coi mỗi người dân, người lao động là một “nhà đầu tư” trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thu hút nguồn nhân lực; mỗi nhà đầu tư là “một người dân” trong công tác thu hút và xúc tiến thương mại. Để từ đó, xác định được trách nhiệm phải xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện, bền vững, giúp mọi tầng lớp trong xã hội “an cư lạc nghiệp”, xây dựng một cuộc sống bền vững tại tỉnh nhà”, ông Võ Văn Minh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: Sự gắn kết và kiến tạo của chính quyền Bình Dương thể hiện đậm nét hơn nữa trong đề án Thành phố thông minh, với mô hình 3 nhà làm nền tảng: Nhà nước - nhà trường - nhà DN, trong đó chính quyền đóng vai trò thúc đẩy, các sở ban ngành đóng vai trò định hướng. Các nhà trường sẽ đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, phát triển con người, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhà DN đóng vai trò đưa các thành quả của nhà trường, thực thi chính sách của Nhà nước, ứng dụng vào thực tế của cuộc sống. Những điều đó là chỉ dấu khẳng định việc xây dựng một chính quyền địa phương năng động, gắn kết và đồng hành với DN, là điểm tựa cho DN, quyết định sự phát triển hài hòa, cân bằng và bền vững cho cả xã hội. Từ đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vượt qua những thách thức, đi lên những nấc thang mới.

► Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương: Ở Bình Dương dù là người dân bản xứ, người lao động ngoài tỉnh hay có nguồn gốc bất kỳ đâu thì bây giờ họ đều có cùng chung cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển này. Điều đó cho thấy quyết tâm, tiềm năng và những thành công của tỉnh. Có thể nói, những kết quả đạt được hôm nay sẽ giúp Bình Dương lạc quan về vị thế trong tương lai. Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn, phải coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển. Tầm vóc của một đô thị không chỉ là sức mạnh kinh tế, đó còn là tầm của văn hóa, tri thức, mỹ thuật, môi trường… của từng con người cụ thể.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1226
Quay lên trên