Khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 17-10-2023 | 08:50:51

 Trong những tháng cao điểm cuối năm, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn do sự sụt giảm về đơn hàng, áp lực chi phí đầu vào tăng, nhất là việc thiếu nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… Khi các yếu tố tác động từ bên ngoài ngày càng trở nên bất định, thì việc làm mới những động lực tăng trưởng cũ, kiến tạo động lực tăng trưởng mới sẽ là “chìa khóa” giúp kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

 

Bình Dương thường xuyên tổ chức các hội chợ và triển lãm nhằm giúp các DN quảng bá sản phẩm, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Một gian hàng tham gia Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam 2023 tại Bình Dương

 Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Hiện tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, khơi thông những điểm nghẽn để giúp DN duy trì, phát triển sản xuất vào cuối năm và cho năm 2024 sắp tới. Chia sẻ về tình hình thực tế, nhiều DN cho biết nếu như mọi năm thời điểm quý IV là lúc tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch, nhưng trong quý cuối cùng của năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn các yếu tố bất lợi, như: Lạm phát, nhu cầu thị trường sụt giảm, thiếu đơn hàng… các yếu tố bất lợi này đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng DN.

Thực tế thời điểm cuối năm 2023 đã cho thấy sự đối lập về diễn biến hoạt động của DN, với cả hai gam màu sáng và tối. Số DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt khá trong khi số đơn vị ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường cũng không nhỏ. 9 tháng năm 2023, tỉnh đã thu hút 5.072 DN đăng ký kinh doanh mới, giảm 0,6% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký trên 38.859 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Số DN điều chỉnh tăng vốn là 1.287 DN, tăng 3,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn là gần 38.926 tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, từ ngày 15 đến 30-9-2023, số DN thành lập mới tăng 19% và tăng 43,6% về số vốn so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, số DN giải thể là 512 DN, điều này cho thấy tình hình bất ổn về kinh tế của thế giới vẫn còn ảnh hưởng nhiều tới việc phục hồi của DN, nhưng chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN vẫn đang phát huy hiệu quả và nền kinh tế đang dần cải thiện qua từng giai đoạn.

Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bcons, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh, chia sẻ trước những “cơn gió ngược” của thị trường kéo dài trong 3 năm qua, không chỉ DN quy mô vừa và nhỏ có phần đuối sức mà ngay cả những DN lớn có tiềm lực tài chính cũng khó trụ vững, phải xoay nhiều cách để tồn tại. DN đang rất “đói” vốn, nhưng chính sách đưa ra lại chưa kịp thời và chưa phù hợp thực tế để DN được thụ hưởng một cách tốt nhất, tạo động lực cho DN phục hồi sản xuất. Hy vọng thời gian tới, các chính sách cần quyết liệt, kịp thời, bám sát hơn những khó khăn của DN và của nền kinh tế.

Khơi thông các nguồn lực

Khảo sát mới nhất của Cục Thống kê tỉnh cho thấy có 67,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV ổn định và tốt hơn quý III. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy niềm tin của DN vẫn đang được củng cố.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ cuối năm 2022 đến nay, có rất nhiều DN đang gặp khó khăn do sự sụt giảm về đơn hàng, áp lực chi phí đầu vào tăng, đứt đoạn chuỗi cung ứng vật tư nguyên liệu, nhất là việc thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Điều này phản ánh khu vực DN vẫn chịu những tổn thương nghiêm trọng trước sự khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước. Đồng hành, hỗ trợ DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bình Dương thực hiện trong suốt thời gian qua.

Bình Dương đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cùng với việc phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở mức cao nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2023; tiếp tục và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ; chú trọng việc tiếp cận thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa kênh xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng; phấn đấu đưa hạ tầng giao thông trọng yếu hoàn thành đúng tiến độ, giải tỏa điểm nghẽn trong vận tải và xuất khẩu, tiết kiệm chi phí cho DN, củng cố điểm sáng của Bình Dương trong môi trường đầu tư; thúc đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn…

Để phát huy tối đa “nội lực”, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng cũ, việc khai thác những động lực tăng trưởng mới sẽ giúp phát triển nhanh, bền vững. Bình Dương đang tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước theo chiến lược, định hướng và bộ tiêu chí thu hút FDI thế hệ mới.

 Với những dự báo về khả năng phục hồi nền kinh tế thế giới đến cuối năm 2024 cho thấy sẽ còn rất nhiều khó khăn đối với tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ. Ngoài những động lực tăng trưởng cũ, tỉnh đang nỗ lực khơi thông những động lực tăng trưởng mới trung và dài hạn. Đó là xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh liên kết vùng…

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1068
Quay lên trên