(BDO) Diễn biến thời tiết thay đổi bất thường trong thời gian qua đang tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm theo mùa gia tăng. Hiện nay, cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Dương.
Y, bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Công Khanh
Theo thống kê từ ngành chức năng, trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận khoảng 100 trường hợp mắc bệnh TCM. Riêng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận gần 70 trường hợp đến điều trị.
Ghi nhận cho thấy, trong những tháng gần đây, số ca mắc bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng so với đầu năm 2022 và tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong đó, số ca bệnh tập trung ở các địa bàn có mật độ dân cư đông đúc, như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An…
Đưa con đến điều trị bệnh TCM tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Lâm Ngọc Nhi (ngụ phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: Hiện bé đang đi học ở nhóm trẻ. Trước đó vài ngày, bé có biểu hiện sốt cao, hơn 38 độ C, bứt rứt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân và họng… Khi đưa đi thăm khám thì được bác sĩ cho biết bé đã mắc bệnh TCM.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, sốt cao khó dứt là một trong những biểu hiện thường thấy khi mắc bệnh TCM. Tuy nhiên, triệu chứng này rất dễ khiến người dân nhầm lẫn với các bệnh truyền nhiễm khác, nhất là dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Bệnh TCM về mặt chẩn đoán không khó, song bệnh TCM có thể xảy ra đồng thời với nhiều bệnh truyền nhiễm khác, kể cả Covid-19. Những dấu hiệu đầu tiên là sốt cao có thể xảy ra ở nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau, vì vậy cần phải thăm khám kịp thời.
Ngoài sốt cao, những dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, đau rát ở răng, miệng, tiêu chảy, co giật… Hiện nay, bệnh không chỉ đang gia tăng về số ca mắc, mà các trường hợp nặng có biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao và diễn biến cũng khó lường. Trong đó, hai nhóm biến chứng của tay chân miệng có thể xảy ra là biến chứng tim mạch và biến chứng về thần kinh như là viêm não. Hai biến chứng này đều là tổn thương hai cơ quan nguy hiểm, có thể có trường hợp đe doạ tính mạng, thậm chí tử vong.
Người nhà chăm sóc trẻ bệnh điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Công Khanh
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng hiện nay, đa phần người dân đã có kiến thức trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ nên hầu hết trẻ mắc bệnh TCM được đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Tuy vậy, những khi trẻ nhỏ mắc bệnh vẫn cần phải được cần theo dõi sát sao, đặc biệt không được bỏ qua những dấu hiệu của bệnh tiến triển nặng như: Giật mình, đi đứng loạng choạng, quấy khóc, lơ mơ… Khi phát hiện cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và zika. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống đối với các bệnh nêu trên trong năm 2022, cùng với đó đã triển khai thực hiện nhiều văn bản của Bộ Y tế, Viện Pasteur.
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới triển khai thực hiện một cách đồng loạt và mang lại hiệu quả cao các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế. Trong thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập trung vào công tác điều trị cũng như phòng, chống dịch bệnh để giảm số ca mắc bệnh, ca nặng và ca tử vong trên địa bàn.
TCM là bệnh truyền nhiễm, được đánh giá là có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch rất cao, đặc biệt là trong những môi trường đông trẻ em. Đường lây truyền chính của bệnh TCM là qua đường tiêu hóa. Do đó, việc thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho trẻ sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Để tránh lây lan bệnh TCM, khi chăm sóc trẻ tại nhà, người dân cần: Vệ sinh sạch sẽ nơi ở của trẻ, tẩy trùng các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc bằng Cloramin B. Quần áo của trẻ nên ngâm trong nước nóng và phơi nắng sau khi giặt; dùng riêng chén, ly, muỗng… Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà bông, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi ẵm trẻ, sau khi thay tã, quần áo và làm vệ sinh cho trẻ. |
Bình Minh