Vì không được xác nhận tạm trú, nên hàng chục gia đình đang sinh sống tại KP 4, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát đã phải gửi con về quê để học tập. Bước vào năm học mới này (2015- 2016), bà con hy vọng chính quyền địa phương sẽ có những “giải pháp” thiết thực, nhằm giúp con em của họ được học gần nhà.
Gửi con “ở nhờ”… đi học
Khu dân cư (KDC) của hơn 40 hộ dân đang sinh sống tọa lạc trên diện tích rộng hơn 6.300m2, cách quốc lộ 13 chỉ khoảng hơn 150m. KDC này có cơ sở hạ tầng khá tốt, đường sá đi lại thông thoáng. Nhiều bà con cho biết cuộc sống gia đình họ hiện rất ổn định về kinh tế. Ngoài số đông hiện đang làm công nhân tại các công ty đang trú đóng trên địa bàn, số ít gia đình sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Bà Đoàn Tam Muội, chủ nhân của căn nhà có diện tích đất rộng 70m2 tâm sự: “Ngày trước tôi có một căn nhà nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh. Do làm ăn thua lỗ, chúng tôi bán nhà trả nợ. Tháng 3-2014, được người quen giới thiệu nên tôi tìm lên đây mua đất với giá chỉ hơn 120 triệu đồng rồi cất nhà. Bây giờ chồng làm công nhân, tôi buôn bán tạp hóa nên kinh tế gia đình khá hơn lúc trước rất nhiều, nhà cửa cũng khang trang hơn”.
Các phụ huynh có con nhỏ bày tỏ với P.V về “nỗi khổ”… tìm chỗ học cho con
Tuy nhiên, qua trao đổi với P.V, bà Muội cũng như những người hàng xóm cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt, nhất là chuyện nhập học cho con em. Nguyên nhân là do họ chưa được chính quyền địa phương xác nhận tạm trú. “Đến nay, chủ đất vẫn chưa thể ra sổ đỏ cho từng hộ gia đình, nên chúng tôi không đủ điều kiện để đăng ký tạm trú. Cũng vì thế mà 2 năm nay, tôi không thể xin được chỗ học gần nhà cho con. Hiện cháu nhỏ đã đến tuổi học mầm non nhưng vẫn đang ở nhà với mẹ. 2 năm nay, tôi phải gửi cháu lớn về TP.Hồ Chí Minh ở nhờ nhà dì ruột để học, cuối tuần mới được ba cháu xuống đón về nhà chơi. Thiếu sự chăm sóc của mẹ nên con bé gầy nhom, hốc hác. Sáng thứ hai hàng tuần, đúng 4 giờ sáng con bé phải thức dậy để ba chở về trường cho kịp giờ học. Nhiều lúc phải năn nỉ con bé mới chịu lên xe để ba chở đi. Tôi đã nhiều lần rơi nước mắt vì thương con!”, bà Muội nghẹn giọng khi trò chuyện.
Anh Hoàng Văn Phúc (quê thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng) cũng có chung nỗi lo: “Tôi có 2 đứa con nhỏ, hiện đang gửi cho ông bà nội và theo học trên đó. Tôi rất mong được ở cạnh con cái để chăm sóc, dạy bảo chúng. Hơn nữa, hàng tuần phải đi về thăm con quá mệt nhọc. Những lúc nghe tin con đau ốm gì là lo sốt vó, bất chấp đêm hôm, hai vợ chồng vẫn xách xe máy chạy về Dầu Tiếng ngay. Nhiều lần họp với chính quyền địa phương, họ bảo chúng tôi đang sống trong KDC tự phát nên không đủ điều kiện để xác nhận tạm trú. Tôi biết họ giải thích không sai, nhưng tình trạng này kéo dài thì biết bao giờ hàng chục đứa trẻ ở đây mới được sống gần cha mẹ. Nói cho cùng thì chúng tôi cũng vì hoàn cảnh khó khăn, nên rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ chính quyền các cấp!”.
Địa phương đang “linh động” giải quyết
Khi nghe P.V cung cấp thông tin có nhiều trường hợp gia đình sinh sống ở KP 4, phường Mỹ Phước đang “lao đao” tìm chỗ học cho con, ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TX.Bến Cát, bày tỏ sự bất ngờ: “Thời gian qua, chúng tôi hoàn toàn chưa nhận được phản ánh nào từ phía phụ huynh về việc con em họ không được đi học ở các trường trên địa bàn do không có giấy tạm trú. Tôi xin khẳng định, quan điểm chỉ đạo chung của Thị ủy và UBND TX.Bến Cát cho ngành giáo dục thị xã là không để bất kỳ một trẻ em nào thất học. Tất cả các cháu đến độ tuổi đi học ở các ngành học, bậc học đều phải có chỗ học…”.
Với cương vị quản lý ngành giáo dục của TX.Bến Cát, ông Lục Kim Thanh cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên trách của phòng khẩn trương ghi nhận thực tế. “Phòng giáo dục sẽ nhanh chóng phối hợp và làm việc với chính quyền địa phương, lãnh đạo các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn để có hướng giải quyết cho tất cả các cháu đến trường…”, ông Lục Kim Thanh cho biết thêm.
Trong một diễn biến khác, thiếu tá Lê Thị Thanh Bình, Trưởng Công an phường Mỹ Phước, cho biết hiện công an phường rất linh động trong việc lập thủ tục, ký xác nhận tạm trú cho người dân sinh sống ở KP 4 để thuận tiện cho con em của họ đi học. “Chỗ khu hồ bơi T.L. thuộc địa bàn KP 4 thì trong đó là đất nông nghiệp, còn nhà thì xây dựng không hợp pháp. KDC tự phát này không ai có hộ khẩu thường trú tại đây. Theo quy định, đối với một người mà muốn bảo lãnh cho người khác thì người đứng ra bảo lãnh phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì mới đăng ký tạm trú cho người khác được”, thiếu tá Lê thị Thanh Bình cho biết.
Trước mắt, để giải quyết thủ tục cho con em người dân tại khu vực này đi học, thiếu tá Lê Thị Thanh Bình cho biết thêm: “Tôi chỉ yêu cầu nếu người dân ra bất kỳ một nhà trọ nào mà chủ nhà trọ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà trọ ở KP 4 và được chủ nhà trọ đó đồng ý ký xác nhận cho ở trọ, mặc dù không cần ở thì chúng tôi vẫn linh động giải quyết tạm trú cho bà con. Thời gian qua, công an phường cũng đã giải quyết cho nhiều trường hợp như vậy. Mặt khác, nếu bà con đem ra giấy tờ thể hiện bé học ở trường mầm non hay bất kỳ một nhóm trẻ nào đó trên địa bàn, hoặc giấy khen thì chúng tôi cũng sẽ xem xét ký xác nhận tạm trú để các bé thuận tiện đi học tại các trường trên địa bàn…”.
NHÓM P.V