Nếu như trước đây, bảng giá đất của tỉnh Bình Dương thay đổi liên tục qua từng năm theo chiều hướng tăng thì với quy định mới (Luật Đất đai năm 2013), trong vòng 5 năm tới (2015 - 2020), bảng giá đất sẽ không có biến động lớn. Điều này được xem là cơ sở để Bình Dương phát triển ổn định, tăng cường thu hút đầu tư…
Giá đất không tăng
Để có được dự thảo Bảng giá đất năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã điều tra, tổng hợp 18.080 phiếu điều tra chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tăng 2.751 phiếu so với năm 2013. Theo kết quả điều tra, giá đất nông nghiệp giảm bình quân khoảng 15%, giảm nhiều nhất là khu vực 2 huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng. Khu vực trung tâm 2 TX.Tân Uyên và Bến Cát giá đất vẫn giữ nguyên. Một số khu vực Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, 2 huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên giá đất tăng khoảng 7% so với năm 2013. Trong khi đó, đất ở đô thị giảm đến 10% so với năm trước do bị ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, giảm nhiều nhất là khu vực 2 huyện Dầu Tiếng và Phú Giáo. Đối với các địa phương khác, giá đất ở đô thị có tăng nhưng không nhiều, chỉ từ 7 -10%.
Giá đất không tăng sẽ là cơ sở để nhà đầu tư, nhiều người đến Bình Dương làm ăn, an cư, lạc nghiệp. Trong ảnh: Một góc Khu dân cư Hiệp Thành 3, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: K.VINH
Khi được yêu cầu dự báo tình hình biến động về giá đất giai đoạn 2015-2020, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với đất nông nghiệp tại khu vực phía bắc của tỉnh giá đất có xu hướng ổn định và tăng nhẹ trong khoảng 3 năm tới. Sở dĩ có điều này là do giá mủ cao su thế giới từ năm 2011 đến nay bị hạ thấp đáng kể. Chính vì thế, đất trồng cây cao su cũng không tăng so với trước đây.
Riêng đối với đất nông nghiệp đô thị tại phía nam của tỉnh, trước đây do nguồn cung dồi dào, giá được đội lên khá cao do nhu cầu mua đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất ở, còn hiện nay giá đang hạ thấp đáng kể. Thậm chí, theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, những thửa đất nông nghiệp diện tích lớn sẽ còn giảm sâu do vướng quy định về tách thửa vừa được UBND tỉnh ban hành.
Riêng khu vực Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 nơi đây sẽ trở thành một trong những đô thị phát triển mạnh của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam; Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đô thị hóa lên đến 80% với đô thị trung tâm là Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh. Điều này sẽ kéo theo giá đất ở khu vực lân cận tăng cao.
Bảng giá không thay đổi
Trước đây, hàng năm UBND tỉnh, thông qua Sở Tài chính, đều xây dựng dự thảo điều chỉnh bảng giá đất biến động hàng năm theo thị trường trình HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên điều này gây lãng phí và không ít phiền hà cho người dân lẫn cơ quan quản lý. Chính vì thế, theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực thi quy định tại Khoản 1, Điều 114, Luật Đất đai 2013 sẽ khắc phục được tình trạng này. Kèm theo đó là khung giá đất của Chính phủ ban hành, trong đó có mức giá đất tối thiểu và tối đa. Từ hai cơ sở quan trọng này mà dự thảo Bảng giá đất Bình Dương 2015 nếu được HĐND tỉnh thông qua và ban hành sẽ được giữ vững ổn định đến hết năm 2020.
Về cơ bản, theo dự thảo, bảng giá đất năm 2015 của tỉnh vẫn giữ như cấu trúc bảng giá các loại đất năm 2014. Tuy nhiên, bảng giá đất nông nghiệp, phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng để bảo đảm cao hơn mức giá tối thiểu theo khung giá đất của Chính phủ và xử lý mối tương quan về giá giữa các loại đất và giữa các huyện, thị xã và thành phố.
Một điểm mới rất tích cực của dự thảo bảng giá đất của tỉnh năm 2015 là giá đất một số tuyến đường chính đã có tên trong các phụ lục được tính cụ thể bằng tiền tuyệt đối (1.000 đồng/m2) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu và thống nhất trong quá trình áp dụng bảng giá đất. Đây cũng là dữ liệu tiền đề để thành lập bảng giá cho sàn giao dịch đất đai trong những năm tới.
Cuối tháng 10 vừa qua, Dự thảo bảng giá đất 2015 đã được UBND tỉnh thông qua với nhiều nội dung thay đổi được cho là sẽ giúp Bình Dương ổn định một trong những lĩnh vực phức tạp nhất trong quản lý nhà nước, qua đó còn góp phần giữ vững an ninh trật tự và phát triển kinh tế lâu dài. Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét, dự thảo bảng giá đất 2015 sẽ là tiền đề để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định. Tuy một số loại đất được điều chỉnh tăng cho phù hợp khung giá đất của Chính phủ nhưng tỉnh sẽ giảm hệ số K để bảo đảm về thực tế giá đất tại các khu vực của tỉnh không tăng cao nhằm khuyến khích người dân đến an cư, lạc nghiệp. Ngoài ra, về lâu dài, nếu chúng ta không tăng giá đất sẽ có thuận lợi lớn trong việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất 5 năm mới điều chỉnh một lần, chỉ trừ 2 trường hợp đặc biệt: Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu trong bảng giá đất của tỉnh. Hoặc khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất thời gian từ 180 ngày trở lên.
KHÁNH VINH