Không ép buộc mua sách tham khảo, sách bài tập

Cập nhật: 20-06-2022 | 08:27:25

 Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Chỉ thị số 643/ CT-BGDĐT ngày 10-6-2022 về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo (STK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ thị nêu rõ, các cơ sở giáo dục không vận động học sinh (HS), hoặc cha mẹ HS, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK được bộ phê duyệt. Một lần nữa, sách học của HS lại trở thành vấn đề nóng được xã hội quan tâm.

 Tại các nhà sách, nhiều phụ huynh đã tới tìm hiểu và mua SGK, STK cho con

 Cần thay đổi thói quen

Năm học cũ kết thúc cũng là lúc phụ huynh bắt đầu tìm hiểu và mua SGK năm học mới cho con em. Tâm lý chung của phụ huynh và HS là mua sớm để có đầy đủ bộ sách. Cùng với SGK, trong bộ sách của HS chắc hẳn không thể thiếu những quyển sách bổ trợ, STK. Chị Nguyễn Thị Hằng Nga ở phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) có con đang học tiểu học, cho biết cứ vào đầu năm học, giáo viên gửi danh sách tên các loại STK cần mua, sau đó phụ huynh đăng ký với nhà trường, hoặc có thể mua tại các nhà sách. Năm học vừa qua, có một số đầu sách chị không đăng ký mua, như: Thực hành kỹ năng sống, văn hóa giao thông, cùng em hoạt động trải nghiệm… nhưng bộ sách bổ trợ cũng ngót nghét 600.000 đồng.

Anh Trần Văn Út, ở phường Tân Định (TX.Bến Cát) cũng chia sẻ, năm nào anh cũng mua trọn bộ sách bổ trợ cho con gái học tiểu học theo danh mục sách của trường đưa ra. Qua theo dõi con học, anh thấy có những quyển sách gần như không sử dụng đến trong năm học. Điều này gây không ít tốn kém cho phụ huynh khi họ phải lo toan nhiều khoản chi phí học tập cho con em. Thực tế trong 2 năm học vừa qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn ra, có những giai đoạn HS phải học trực tuyến, chương trình học đã được điều chỉnh, tinh giản, do đó chắc chắn có những quyển sách bổ trợ không dùng đến.

Thời điểm hiện tại, đến các nhà sách chúng tôi thấy phụ huynh bắt đầu mua sách cho con em. Dù Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường không bắt ép phụ huynh mua STK, bổ trợ và cha mẹ các em có quyền từ chối nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn mua thêm STK cho con em mình. Chị Nguyễn Thị Lệ ở phường An Phú, TP.Thuận An tâm sự: “Tâm lý của mỗi phụ huynh khi lựa chọn SGK cũng như STK cho con là không mua thì sợ con không có sách học nhưng có quá nhiều loại STK nếu mua hết thì không biết có học hay không, vì còn phụ thuộc vào mỗi giáo viên dạy ở lớp. Chính vì tâm lý này nên dù không đăng ký mua ở trường thì nhiều phụ huynh cũng sẽ bằng mọi cách tìm mua ở nhà sách nhiều loại STK nhằm phục vụ việc học cho con em mình”.

Bình Dương không có chủ trương dùng STK

Khi chúng tôi đặt vấn đề có hay không các cơ sở giáo dục ép buộc HS mua STK, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết trong tất cả các cuộc họp giao ban và vào đầu các năm học, sở đã nhắc nhở, triển khai và hướng dẫn các văn bản quy định của Bộ GD-ĐT về vấn đề sử dụng STK đến tất cả các trường học. Cho đến nay, những quy định tại văn bản này đang được các trường nghiêm túc thực hiện. “Bình Dương không có chủ trương dùng STK. Chính vì vậy, sở đặc biệt nghiêm cấm việc nhà trường hoặc giáo viên tùy tiện giới thiệu các sách không đúng quy định để mua hộ cho HS, phụ huynh HS. Việc mua STK thêm của HS, phụ huynh là quyền của cá nhân, nhà trường và giáo viên không làm thay”, bà Hằng nhấn mạnh.

“Bình Dương không có chủ trương dùng STK. Chính vì vậy, sở đặc biệt nghiêm cấm việc nhà trường hoặc giáo viên tùy tiện giới thiệu các sách không đúng quy định để mua hộ cho HS, phụ huynh HS. Việc mua STK thêm của HS, phụ huynh là quyền của cá nhân, nhà trường và giáo viên không làm thay”.

(Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thuận An, cho rằng hàng năm Phòng GD-ĐT thành phố đều quán triệt tới các trường về vấn đề chỉ giới thiệu STK cho HS, còn lại tùy vào mỗi gia đình lựa chọn và quyết định, nhà trường sẽ không can thiệp. Bên cạnh đó, tất cả các thư viện của trường đều trang bị các loại sách đầy đủ phục vụ nhu cầu của HS, các em có thể đến thư viện mượn học và trả lại đúng thời hạn.

Các trường học của tỉnh hiện cũng chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành GD-ĐT nói chung, trong đó có SGK. Cô Dương Thị Hào, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP.Thủ Dầu Một), cho biết hàng năm căn cứ danh mục SGK được cấp trên phê duyệt, nhà trường chỉ thông báo đến phụ huynh danh mục bao gồm các loại sách cần thiết cho các môn học, còn việc sử dụng STK là nhu cầu của HS, nhà trường không ép buộc. Ngoài STK, các em có thể tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau ở thư viện, nhà sách, trên mạng internet...

Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực từ STK có chất lượng khi giúp bổ trợ kiến thức, nâng cao kỹ năng cho HS thông qua các dạng bài tập nâng cao. Tuy nhiên, với thị trường STK đa dạng như hiện nay, phụ huynh và HS cần lựa chọn phù hợp để hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập. Hiện nay, trên thị trường có các loại STK phục vụ cho việc học tập cho HS ở các cấp học. Xuất phát từ nhu cầu học tập của HS, nhiều nhà xuất bản đã đưa ra thị trường STK ở tất cả các khối lớp. Thực tế cho thấy, hầu như môn học nào cũng có STK.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của STK, có những môn học, nếu HS quá lạm dụng sẽ dẫn đến việc các em sẽ bị thụ động trong học tập, không có sự tư duy, sáng tạo, khám phá kiến thức. Do đó, HS, phụ huynh HS cần cân nhắc khi lựa chọn STK cho con học tập.

 ÁNH SÁNG - HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=715
Quay lên trên
X