Không khí sản xuất đầu năm mới: Đơn hàng nhiều, ra quân quyết liệt và khẩn trương

Cập nhật: 09-02-2011 | 00:00:00

Bên cạnh nhiều cái khó trước mắt như lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá không ổn định, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất dao động bất thường... thì tình hình sản xuất, xuất khẩu năm 2011 luôn mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt, vươn lên để hội nhập sâu vào thị trường thế giới đang trên đà hồi phục nhanh.

Đầy ắp đơn hàng đến năm 2012

Vừa khẩn trương lo mâm quả khai trương, quà lì xì năm mới cho cán bộ, công nhân viên, vừa tranh thủ trả lời phỏng vấn chớp nhoáng, Tổng Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên) Đỗ Thị Kim Loan phấn khởi cho biết: “Năm 2010 kết thúc với rất nhiều thành công lớn, ngày nào cũng tăng ca nhưng anh chị em công nhân không than phiền mà ngược lại còn yêu cầu Ban giám đốc cho tăng ca để tăng thu nhập và kịp đáp ứng nhu cầu giao hàng cho khách. Chúng tôi rất xúc động và trân trọng tình cảm, ý thức của anh chị em vì mình đối xử tốt, có trước có sau thì anh chị em gắn bó bền chặt với mình, tránh được những xung khắc đáng tiếc như đình, lãn công, người lao động đồng loạt bỏ đi nơi khác làm ảnh hưởng đến uy tín và kế hoạch sản xuất - kinh doanh của công ty. Nhờ có bàn bạc, thống nhất trước nên ngày khai trương anh chị em trở lại làm việc rất tốt, đúng yêu cầu đề ra vì năm 2011 này công ty đã có hợp đồng sản xuất lấn cả sang quý I-2012.

 

Hàng hóa nhộn nhịp vào Cảng ICD Sóng Thần ngày đầu năm mới

Tại Công ty Cổ phần Gạch Đông Nam Á (ấp 9, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát), hơn 300 công nhân cũng có mặt đầy đủ trong ngày khai trương, cùng Ban giám đốc làm lễ chào cờ đầu năm, nhận bao lì xì lên đến 500 ngàn đồng/người và bắt tay ngay vào sản xuất, bởi vì: “Tận dụng thuận lợi về giá, người dân đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư mạnh để sửa chữa, xây mới nhà ở, công trình dân dụng. Chúng tôi kết thúc sản xuất năm cũ vào ngày 29 tết và bắt đầu năm mới từ mùng 4 tết mới kịp tiến độ giao hàng. Chậm khởi công một ngày là đơn hàng dày lên nên phải khẩn trương, ra quân với khí thế quyết liệt để bảo đảm kế hoạch” - ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc công ty cho biết.

Chuyên nghiệp, sống chung với khó khăn

Nét mới cơ bản của năm 2011 mà chúng tôi ghi nhận được ở nhiều doanh nghiệp là tình trạng thiếu lao động, công nhân chậm vào nhà máy đã được điều chỉnh theo ý muốn của doanh nghiệp. Câu nói tự tin mà một số lãnh đạo công ty bày tỏ là: “Biết mình biết người. Lo cho anh em tốt, có trước có sau, công khai bàn bạc, tăng ca phù hợp sức khỏe, đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi người lao động thì ai dám hoạnh hẹ mình”?

Nói về kế hoạch phía trước, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ cao cấp & Thủ công mỹ nghệ Cường Phát Lý Ngọc Bạch cho biết: “Bên cạnh những cái khó trước mắt như lãi suất vay ngân hàng quá cao, giá cả nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất dao động bất thường thì thị trường xuất khẩu năm 2011 mở ra nhiều triển vọng như thị trường thế giới bắt đầu hồi phục. Số lượng nhà sản xuất, doanh nghiệp bỏ cuộc nhiều do bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nên sân chơi trở nên thoáng và ít người hơn. Nhưng “luật” chơi thì khắt khe với nhiều quy định mang tính ràng buộc cao như: Sản phẩm phải đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Đặc biệt là không có độc tố mới có thể phát huy tốt ở các thị trường khó tính. Cho nên đòi hỏi nhà sản xuất, kể cả người lao động phải chuyên nghiệp hơn và phải biết sống chung với khó khăn để tồn tại và phát triển”.

  Tổng Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan mô tả cụ thể hơn khái niệm chuyên nghiệp và sống chung với khó khăn bằng cách: Đổi mới sản xuất, tăng hàm lượng chất xám, kết hợp với độ tinh xảo, khéo léo trên từng sản phẩm, nhập khẩu máy móc hiện đại để tăng công suất sản xuất, giảm số lượng lao động giản đơn. Bên cạnh việc tăng công suất sản xuất bằng máy móc hiện đại thì không thể coi nhẹ kinh nghiệm, tay nghề của người lao động! Khi anh chị em đã thành công với nghề thì doanh nghiệp phải trân trọng, đánh giá đúng tiềm năng, tay nghề và có chính sách giữ chân thích hợp. Vì hiện nay yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định mọi thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Sau thời gian hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam được thế giới đánh giá không còn non trẻ mà chỉ yếu kém trong lựa chọn công nghệ, thiếu khả năng hợp tác để cạnh tranh và yếu về vốn đầu tư do khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Đây không chỉ là khó khăn tạm thời mà có tính lâu dài, nên bản thân doanh nghiệp phải tự khắc phục bằng cách tăng cường năng lực sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp, phát huy tối đa nội lực sẵn có kết hợp với việc tranh thủ ngoại lực bằng việc mở ra nhiều hướng hợp tác, đầu tư mới để vượt qua và sống chung với khó khăn!

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên