Các bé gái thường được mẹ tích cực làm đẹp cho từ quần áo, tóc tai đến đeo đủ thứ nữ trang. Tuy nhiên, vì sự an toàn và sức khỏe của bé, không nên cho trẻ đeo nữ trang...
Nét hồn nhiên, vẻ đẹp tuổi thơ của trẻ không phải ở các món nữ trang
Không nên đeo nữ trang đến trườngMột buổi sáng đưa con đến trường mầm non Tuổi Ngọc (TX.TDM), cô giáo con tôi đề nghị phụ huynh của một bé gái tên T.D cất hết vòng đeo tay, dây chuyền cho bé. Vị phụ huynh này có vẻ không đồng tình. Cô giáo nhỏ nhẹ: “Trường có quy định cháu không được mang nữ trang đến lớp, chị thông cảm nhé!”. Mẹ của bé T.D vừa cởi bỏ nữ trang của con vào túi áo vừa nói: “Ở nhà em vẫn cho cháu đeo đấy thôi, có sao đâu?”. Cô giáo lại nhã nhặn giải thích: “Ở trường nhiều bạn chơi với nhau đôi khi vô ý làm trầy xước. Vòng đeo tay bị đứt cũng nguy hiểm cho bé khi bé lỡ tay nhét những hột tròn tròn này vào mũi, lỗ tai...”. Trước lời giải thích của cô giáo, nhiều phụ huynh tỏ ý đồng tình. Có chị con đã vào lớp còn gọi con lại kiểm tra xem thử con gái mình có còn món nữ trang nào trên người không.
Tuy nhiên, theo tôi, ở nhà cũng không nên cho bé đeo vòng vàng, nữ trang gì cả. Trẻ con vốn dĩ bé nào cũng... dễ thương! Với bé gái, chỉ cần thắt bím tóc, cột cái nơ là đẹp rồi. Quần áo sạch sẽ, thơm tho để giữ vệ sinh tốt hơn là các bà mẹ chỉ chăm chăm lo làm đẹp quá sớm cho con mình. Một điều không nên nữa là để trẻ con tiếp xúc quá sớm với nữ trang sẽ khiến các bé sinh ra tính đua đòi, học theo bạn có cái này, cái kia thì con cũng phải có.
Vợ chồng anh Hùng, chị Tuyết cũng vì chuyện cho con đeo nữ trang hay không mà... cãi nhau. Theo anh Hùng thì: “Đeo ba cái sợi dây ở cổ, ở tay thấy... dơ quá! Vì bé nhà mình con gái nhưng rất hiếu động. Đeo những thứ này vào sẽ không hợp vệ sinh”. Nhưng chị Tuyết lại nói: “Sao lại không cho con gái đeo nữ trang? Đó là điểm khác nhau giữa... con trai và con gái!”.
Để an toàn cho bé
Chúng ta cũng từng nghe nói đến nhiều vụ án mà kẻ gian chỉ vì mấy phân vàng nữ trang của bé đã đang tâm làm hại con trẻ. Một khi lòng tham trỗi lên thì chúng không kể gì một đứa bé vô tội. “Thương con như thế bằng mười hại con”! Thế nên, đừng cho bé đeo nữ trang nhất là nữ trang đắt tiền để bé không bị nguy hiểm khi không có người thân bảo vệ bên cạnh.
Một điều đáng nói nữa là sự an toàn về sức khỏe của bé. Da của các bé rất dễ mẫn cảm với các chất dùng để xi mạ lên nữ trang. Chị Hạnh có con gái 6 tuổi nói: “Vợ chồng tôi chỉ có một bé gái này nên luôn muốn cho con thật đẹp, thật đầy đủ. Tôi từng mua nữ trang bằng vàng, bạc và nhiều món hàng dễ thương khác nữa cho cô công chúa nhỏ của mình. Cô, dì của bé cũng thường thấy cái gì đẹp là mua cho cháu và cháu có cả một bộ sưu tập về nữ trang. Thế nhưng, có một lần, con bé kêu ngứa hai bên dái tai và cứ gãi riết. Cổ và tay cũng bị mẫn đỏ nên tôi phải đưa bé đi khám. Bác sĩ nói bé bị dị ứng với mấy món đồ nữ trang. Thêm thông tin nữ trang Trung Quốc có độc nên từ đó nhà tôi cấm tiệt không cho con mình... rớ vào món đồ nào nữa...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nữ trang được xi mạ rất khéo với mẫu mã đẹp thường được bày bán công khai ở chợ cũng như các chợ... chồm hổm cho công nhân lao động. Nhiều mẫu mã đa dạng từ nhẫn, dây chuyền, lắc, khuyên tai giá mỗi chiếc chỉ từ vài chục ngàn đồng. Rất nhiều bà mẹ thấy đẹp nên... nhịn ăn mua cho con đeo vì “thấy dễ thương”. Tuy nhiên, đeo các loại nữ trang rẻ tiền, có chất xi mạ độc hại này sẽ rất nguy hiểm vì trẻ em thường có thói quen đưa lên miệng ngậm đồ chơi cũng như nữ trang.
Trường học đã không cho phép đeo nữ trang nên thiết nghĩ, phụ huynh cũng không đeo cho bé và... hợp tác tốt hơn với cô giáo để giữ an toàn cho trẻ. Với những loại nữ trang rẻ tiền thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bé bởi thế nên đừng làm những chuyện... tiền mất tật mang!
Thông tin về việc xét nghiệm 7.608 sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn xi mạ từ Đội Quản lý thị trường TP.HCM chỉ có 105 chiếc an toàn cho sức khỏe, số còn lại đều nhiễm kim loại độc hại là chì và cadimi làm cho các bà mẹ lo lắng. Nhiều loại nữ trang trẻ em của Trung Quốc chứa chất cực độc là kim loại nặng cadimi. Trong sản xuất, cadimi dùng chế biến sơn, phẩm màu công nghiệp, mạ điện, là chất chống ăn mòn. Ngoài ra, người ta còn có thể dùng cadimi làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó cadimi có thể nhiễm vào sản phẩm. Cadimi là một chất gây độc đối với con người. Nếu tiếp xúc với lượng lớn, cadimi có thể gây ngộ độc cấp. Biểu hiện thường thấy là đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì bị dị dạng thai. Với trẻ em, việc nhiễm lâu ngày có thể làm chậm phát triển xương, còi xương. Ngoài ra, đây còn là chất có thể gây ung thư.
QUỲNH NHƯ