Thời buổi công nghệ thông tin lên ngôi nên đủ thứ “kiến thức y học” được truyền tải trên mạng. Trừ những thông tin chính thống của các thầy thuốc, lương y chính hiệu thì cũng đủ thứ các trang web, bài viết chuyên về sức khỏe dạng… nghe đồn!
Vườn cây thuốc Nam tại phường Hưng Định, TX.Thuận An. Ảnh: Q.NHƯ
Thế nên, nhiều thầy thuốc đã khuyên rằng, đừng lạc vào “mê hồn trận” những bài thuốc trị bệnh ở trên mạng. Đôi khi bản thân những bác sĩ còn lúng túng trước một rừng thông tin như thế hỏi sao người dân không tiền mất tật mang vì theo những bài thuốc này.
Khi được hỏi là có nên tin những thông tin trên mạng về cách điều trị các loại bệnh này nọ trên mạng không, lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM (thành viên Hội Laser y học Bình Dương) khuyên rằng, không nên tin và hãy cẩn thận! Bởi mỗi người có một cơ địa khác nhau. Có thể bài thuốc này hiệu quả với người này nhưng lại là “hậu quả” với người khác. Hiện, ông có phòng mạch chuyên trị các bệnh như: ung bướu, tiểu đường, gan mật, tim mạch, viêm xoang, viêm dạ dày… Trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng một “tủ thuốc xanh” trong gia đình, lương y Nguyễn Công Đức nói: “Đây cũng là điều mà tôi rất quan tâm và luôn khuyên người dân làm theo. Chưa bao giờ thông tin cây này, lá kia, rễ nọ chữa được ung thư như bây giờ. Đừng tin mù quáng khi chưa có căn cứ. Bởi nếu vậy, các bệnh viện có khoa chuyên trị ung bướu đâu có quá tải. Ngoại trừ những cây thuốc dân gian mà ông bà ta đúc kết bao đời nay thì chúng ta nên theo như: Sả, bạc hà… có tác dụng giải cảm; nghệ trị viêm loét bao tử chẳng hạn”.
“Tủ thuốc xanh” mà ông khuyên dùng là mỗi gia đình nên trồng các vị thuốc quanh nhà. Không có vườn thì trồng trong chậu cảnh. Chanh, tắc, đinh lăng, lá lốt… đều là những vị làm thuốc được. Hay ít ra những nhà chung quanh của một xóm cũng trồng nhà này khóm sả, nhà kia gốc chanh, gốc bưởi… để có thể đi quanh xóm hái được một nồi lá xông giải cảm. Mỗi nhà có “tủ thuốc xanh” như thế vừa đỡ tốn tiền mua thuốc, vừa có tình chòm xóm thật tốt đẹp!
Một vài bài thuốc cần dùng cho mùa nóng này có thể kể đến như: Trà xanh, táo, Atisô... Trà xanh được xem là thức uống giải độc tự nhiên hiệu quả. Uống trà có thể tăng cường tiêu hóa, vì vậy uống trà sau bữa ăn khoảng 30 phút là thói quen tốt đối với gan. Ngoài ra, trà còn có tác dụng giảm cân hiệu quả nhất là trà bồ công anh, trà bạc hà, trà gừng, trà xanh và các loại trà thảo dược khác. Trong đó, trà bồ công anh có tác dụng mát giải độc gan, làm sạch máu và bài tiết các độc tố dư thừa khỏi cơ thể. Nước trái táo chứa nhiều hàm lượng cao pectin giúp làm sạch độc tố trong đường tiêu hóa và hỗ trợ gan trong đào thải chất độc khỏi cơ thể. Với Atisô thì được coi là “thần dược” đối với gan vì nó làm sạch các độc tố trong gan, bởi gan làm chức năng lọc thải chất độc nên dễ bị nhiễm độc gan. Ngoài ra, trà Atisô sẽ làm cho da mịn màng và trở nên tươi sáng hơn, ít bị mụn và khô ráp do nó có tác dụng làm mát gan, giải nhiệt, thải độc tố. Nếu ai uống quen trà Atisô sẽ thấy vị của nó khá đậm đà dễ chịu và cũng khá ngon.
Một vị trong “tủ thuốc xanh” nữa là rau má.Ngoài việc giúp hạ huyết, làm bền thành mạch, lợi tiểu, thì rau má vẫn được dùng làm vị thuốc nhuận gan, giải độc gan…
Cái gì cũng có tính 2 mặt và thông tin về thuốc men cũng như thế. Lương y Nguyễn Công Đức còn cho biết nhiều người “thần tượng” một loại biệt dược nào đó đến mức bệnh trở nặng mới vội đưa đến bệnh viện. Cần ăn uống, sinh hoạt điều độ, tinh thần thoải mái, lạc quan và không tin dùng những vị thuốc kiểu nghe nói, nghe đồn để không phải chịu những hậu quả đáng tiếc.
Gần đây, báo chí cũng đã “phanh phui” vụ Đông trùng hạ thảo không có công dụng chữa bệnh như kiểu người bán hàng nói để đẩy giá lên cao. Một thời, đi đâu cũng thấy bán cây Nở ngày đất rồi Ba kích, Mật nhân… Theo lời khuyên của các lương y, khi có bệnh nên đi khám bệnh đúng chuyên khoa và điều trị theo phác đồ hẳn hoi chứ đừng tự tìm hiểu, tự chữa bệnh theo thông tin trên mạng.
QUỲNH NHƯ