Trường Dục Thanh nay là Khu di tích Dục Thanh.
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022), Khu Di tích Dục Thanh-Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã đón nhiều đoàn khách từ trường học, các cơ quan, đơn vị, người dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, báo công và tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
Ông Nguyễn Văn San, du khách đến từ Hải Phòng cho biết ông rất xúc động khi được đến thăm ngôi trường ghi dấu chân của Bác và còn ý nghĩa hơn khi đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Người. Được ngắm những hiện vật, kỷ vật quý báu, những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Người, mọi người càng thêm trân quý, biết ơn những công lao vĩ đại Bác đã dành cho đất nước, dân tộc.
Em Nguyễn Trần Đức Vương, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) chia sẻ hàng năm vào dịp sinh nhật Bác, em cùng các bạn đến Khu Di tích Dục Thanh để dâng hương. Biết ơn sự hy sinh của Bác cũng như thế hệ đi trước, em luôn nỗ lực học tập, cống hiến sức trẻ để xây dựng quê hương.
Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận tổ chức triển lãm giới thiệu gần 80 tranh, ảnh về Bác tại Khu di tích trường Dục Thanh. Đây là những hình ảnh, sự kiện, các bản thảo về Đảng Cộng sản Việt Nam; giới thiệu những nội dung trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ; những tư liệu lịch sử quan trọng ghi lại những khoảnh khắc cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, triển lãm còn có không gian ảnh thời sự “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu về những cá nhân, tập thể điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận…
Triển lãm nhằm tôn vinh, ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Người. Qua đó, động viên cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân tích cực đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới.
Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận còn phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận xây dựng Bảo tàng 3D trên Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh (https://hochiminh.vn).
Các em học sinh xem các tư liệu về Bác tại Di tích Dục Thanh.
Với công nghệ 3D sống động và ứng dụng thuyết minh đa phương tiện, du khách có thể tìm hiểu sâu, kỹ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thiết thực hỗ trợ khách tham quan tiếp cận với nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, là con của Nhà thơ, Nhà văn yêu nước Nguyễn Thông.
Khoảng đầu tháng 9/1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) tìm đường sang Pháp, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại trường Dục Thanh đến tháng 2/1911.
Trong thời gian dạy học ở đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp Nhì, phụ trách thể dục buổi sáng cho trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khóa của trường.
Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành luôn nhiệt tình truyền dạy cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống, tổ tiên. Đây cũng là thời điểm Người tìm hiểu kỹ tình hình và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Sài Gòn, vượt đại dương bôn ba tìm đường cứu nước.
Đến nay, đã 111 năm Ngày Người rời mái trường này nhưng những kỷ vật vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Ngoài lớp học với mái ngói đơn sơ được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị, Khu Di tích Dục Thanh (trường Dục Thanh xưa) hiện còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý về Bác như bộ bàn ghế Bác ngồi giảng bài, bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nhà Ngư nơi Bác sinh hoạt…
Khuôn viên khu di tích còn có cây khế năm xưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường xuyên chăm sóc và giờ được người dân nơi đây gọi là Cây khế Dục Thanh hay Cây khế Bác Hồ...
Khu Di tích Dục Thanh-Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh tỉnh Bình Thuận không chỉ trở thành điểm tham quan du lịch, thăm viếng Bác mà còn là nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng, ý thức của thế hệ trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, khu Di tích Dục Thanh đã đón hơn 14.200 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập./.
Theo TTXVN