Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị: Tạo động lực cho Bình Dương phát triển trong giai đoạn mới - Kỳ 1

Cập nhật: 11-12-2018 | 10:08:52

Kỳ 1: Đòn bẩy khu liên hợp

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, năm 2004, Bình Dương đã đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (gọi tắt là khu liên hợp). Có thể nói, đây là một điểm nhấn trong việc thực hiện mô hình phát triển công nghiệp, tạo động lực phát triển đô thị nhằm ổn định xã hội để người dân yên tâm sinh sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài tại địa phương.

 Kỳ vọng lớn lao

Năm 2004, Bình Dương triển khai Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị nhằm biến nơi đây thành nơi hội tụ những ý tưởng về xây dựng thành phố công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo dựng được diện mạo đô thị và hình thành các loại hình dịch vụ hỗ trợ song song cho quá trình phát triển tỉnh nhà. Khu liên hợp được quy hoạch trên diện tích 4.196 ha, tổng vốn đầu tư khi đó là 3.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn của TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một. Đây được xem là động thái đúng đắn của Bình Dương nhằm tạo bước phát triển bền vững và vóc dáng mới cho tỉnh nhà trong tương lai.

Việc xây dựng khu liên hợp tạo động lực cho Bình Dương phát triển trong giai đoạn mới. Trong ảnh: KCN Việt Nam - Singapore II nằm trong khu liên hợp thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có công nghệ hiện đại trên thế giới đến làm ăn.
Ảnh: XUÂN THI

Triển khai thực hiện xây dựng khu đô thị trong khu liên hợp, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 5 khu tái định cư tại xã Phú Mỹ, xã Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), xã Hòa Lợi (TX.Bến Cát), xã Phú Chánh và xã Tân Vĩnh Hiệp (TX.Tân Uyên) để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. Cùng với đó, Bình Dương đã xây dựng các công trình tạo lực, trong đó có các tuyến đường tạo lực. Theo đó, khu liên hợp có 7 tuyến đường tạo lực với tổng chiều dài 34 km nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong toàn khu và đấu nối với hệ thống giao thông chung như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, các đường ĐT741, ĐT742… Bình Dương cũng đầu tư các tuyến kênh thoát nước, hệ thống cấp điện, nước, bưu chính - viễn thông theo đề án được duyệt để đáp ứng nhu cầu của người dân và các nhà đầu tư trong khu liên hợp.

Đặc biệt, cùng với việc đẩy nhanh đầu tư hạ tầng toàn khu liên hợp, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha. Đây là một thành phố mới hiện đại, năng động, bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC), cho biết thành phố mới Bình Dương hoàn toàn có triển vọng phát triển hài hòa, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh và gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là nơi có một không gian sống thân thiện, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài; trở thành biểu tượng cho sự phát triển thăng hoa của Bình Dương.

Nền móng cho tương lai

Ngay từ những ngày đầu triển khai, dự án khu liên hợp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, như KCN Việt Nam - Singapore II có diện tích 344 ha, KCN Sóng Thần III diện tích 533 ha… Bên cạnh đó, trong khu liên hợp, khu dịch vụ cao cấp được quy hoạch khoảng 612,7 ha; đối với khu đô thị bao gồm cả khu tái định cư với diện tích 1.662 ha, gồm trung tâm đô thị và các công trình hành chính, văn hóa, y tế, giáo dục, thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê…

Ngày 10-10-2004, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ về thăm và làm việc tại Bình Dương đã đánh giá, việc xây dựng khu liên hợp là một hướng đi đúng đắn, xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thực tế về phát triển hiện nay. Dự án này không chỉ có ý nghĩa phục vụ cho sự phát triển riêng của tỉnh Bình Dương mà còn góp phần chia sẻ áp lực cho TP.Hồ Chí Minh, cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là điểm tựa kinh tế cho khu vực Tây nguyên. Dự án này sẽ bảo đảm cho tỉnh vừa phát triển công nghiệp vừa tạo dựng được diện mạo đô thị và hình thành các loại hình dịch vụ hỗ trợ song song cho quá trình phát triển.

Trong giai đoạn 2006-2010, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã quyết tâm thực hiện công tác đền bù để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu liên hợp. Bằng sự quyết tâm chính trị, Bình Dương đã vận động người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của dự án khu liên hợp, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Trong công tác giải tỏa đền bù đất, tài sản của dân và các đơn vị nằm trong vùng quy hoạch của dự án được các cấp, các ngành thực hiện tốt, trên tinh thần cách làm nào có lợi nhất cho dân thì làm. Nhờ vậy, đến cuối năm 2008, toàn khu liên hợp đã hoàn thành việc đền bù giải phóng 97% diện tích đất và đến đầu năm 2010, số diện tích còn lại cũng được tỉnh giải quyết, kịp thời giao đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, khu tái định cư...

Cùng với công tác giải tỏa đền bù đúng quy định, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao trong dân, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 5 khu tái định cư tại địa bàn các xã Phú Mỹ (71 ha), xã Hòa Lợi (140,6 ha), xã Định Hòa (78,4 ha), xã Phú Chánh (248 ha) và xã Tân Vĩnh Hiệp (103 ha) để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. Song song đó, chủ đầu tư khu liên hợp là Becamex IDC đã mạnh dạn thực hiện hơn 120 km đường phố rộng từ 8 - 12m cùng với hệ thống cấp thoát nước, các hệ thống điện, đèn chiếu sáng, chợ, trung tâm thương mại, sân thể thao, công viên... để phục vụ nhu cầu ở và làm ăn của người dân tái định cư. Từ việc làm thiết thực này, người dân đánh giá rất cao tầm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, quan tâm đến đời sống người dân tái định cư trong vùng dự án, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo Becamex IDC mời đơn vị tư vấn nước ngoài và Viện Kiến trúc thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) quy hoạch đô thị theo mô hình hiện đại, một khu đô thị văn minh, trở thành trung tâm của thành phố Bình Dương trong tương lai. Trong giai đoạn này, Becamex IDC đã đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, hệ thống thoát nước, điện và viễn thông, trong đó hệ thống điện và viễn thông đều hạ ngầm theo hướng hiện đại, bền vững.

Đến nay, khu liên hợp từng bước hình thành và thể hiện được vai trò, tầm vóc của mình đối với Bình Dương nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung. Khu liên hợp đã trở thành khu kiểu mẫu của cả nước, được các nhà đầu tư, các đoàn công tác của Trung ương, các đoàn khách quốc tế đến tham quan, làm việc đánh giá cao.

Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép UBND tỉnh Bình Dương xúc tiến dự án xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Theo dự án, khu liên hợp có phạm vi khoảng 4.300 ha thuộc TX.Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát và huyện Tân Uyên. Mục tiêu của dự án là chuyển đổi quỹ đất từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển tập trung công nghiệp (50% diện tích), dịch vụ (khoảng 17% diện tích) và đô thị (22% diện tích). Khu liên hợp sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng kỹ thuật cao, công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, phát triển dịch vụ, phục vụ nhu cầu sản xuất... Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.200 tỷ đồng, chủ yếu là vốn xây dựng hạ tầng và một số công trình tạo lực để kêu gọi đầu tư.

 

KHÁNH VINH

Kỳ 2: Cách làm sáng tạo trong giải tỏa đền bù

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2390
Quay lên trên