Với những cải tiến không ngừng trong khâu xử lý, sản xuất, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương đã làm tốt chức năng xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm tái tạo như điện, vật liệu xây dựng, phân bón hữu cơ sinh học...
Sản xuất các sản phẩm tái chế của Khu Liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương
Xử lý gắn với bảo vệ môi trường
Khu Liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương được các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường nhấn mạnh đây là khu liên hợp xử lý chất thải hoàn hảo nhất ở Việt Nam tại thời điểm này. Bình Dương trở thành điểm sáng trên cả nước trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp một cách bài bản, quy mô và hiện đại. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này luôn nỗ lực cải tiến để ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng cũng như giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường, Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã tham gia phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp - Sở Công thương Bình Dương, để thực hiện đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm tìm ra các nguyên nhân gây lãng phí nguyên, nhiên vật liệu qua đó đề ra các giải pháp khắc phục. Thông qua đó giảm giá thành sản phẩm tạo sự cạnh tranh trên thị trường và hướng tới phát triển bền vững, đánh giá được hiện trạng tiêu thụ nguyên vật liệu và năng lượng và xác định được các phát thải của chi nhánh đồng thời nhận dạng và đề xuất được các giải pháp SXSH để công ty có thể áp dụng hoặc nghiên cứu áp dụng để hướng tới giảm thiểu phát thải và cải thiện quá trình sản xuất.
Theo TS. Nguyễn Văn Thanh, Chuyên gia sản xuất sạch hơn, nhóm SXSH tiến hành thu thập sơ đồ quy trình sản xuất, sau đó xác định các đầu vào và ra của từng quy trình. Kế tiếp sẽ tiến hành thu thập các số liệu từ các báo cáo của chi nhánh về thực tiễn sản xuất, các số liệu đã được theo dõi và ghi chép hàng ngày, đồng thời tiến hành khảo sát thực tế để xác định được các đầu vào và ra của từng công đoạn thông qua đó có thể điều chỉnh sơ đồ quy trình.
Hiện nay, tổng diện tích hiện hữu của Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương là 1.000.000m2 (100ha), trong đó phần diện tích sử dụng hiện nay là 75ha, phần còn lại 25ha chưa đầu tư xây dựng. Toàn bộ diện tích 75ha của khu liên hợp được phân thành 6 khu vực chính vàđược bao quanh bởi cây cao su hiện hữu thểhiện diện tích các hạng mục của khu liên hợp.
Qua đánh giá, nhóm có nhận xét, doanh nghiệp có theo dõi lượng điện tiêu thụ qua đồng hồ tổng của điện lực, hệ thống chiếu sáng chủ yếu là đèn led 50W giúp tiết kiệm năng lượng, hệ thống lấy sáng tự nhiên được công ty thực hiện khá tốt. Về quản lý nội vi 5S, nhằm quản lý tốt các hoạt động sản xuất và nâng cao chất lượng làm việc của công nhân theo nền tảng quản lý cơ bản là công cụ quản lý nội vi 5S. Hiện tại, khu liên hợp đã có bộ phận phụ trách 5S, có các khẩu hiệu phát động an toàn sản suất, t ăng năng suất… Công ty có áp dụng khen thưởng cho những hoạt động vận dụng tốt cải tiến, thực hành 5S và tổ chức thi đua giữa các tổ, nhóm, khen thưởng khi công nhân thực hiện tốt các chương trình nhà máy đề ra hàng năm.
Công tác bảo vệ môi trường được công ty thực hiện theo các cam kết về bảo vệ môi trường đã được duyệt, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, hệ thống nhà xưởng cao… Công ty có áp dụng hệ thống chiếu sáng tự nhiên, thiết kế trần nhà với các mảng tôn trong suốt, hỗ trợ chiếu sáng hiệu quả cho khu vực sản xuất vào ban ngày, giúp tiết kiệm năng lượng điện và chi phí cho việc chiếu sáng. Đánh giá công tác vệ sinh, an toàn lao động, do đặc thù ngành sản xuất nên công ty đã áp dụng nhiều giải pháp sản xuất và thu hồi để hạn chế đáng kể việc phát thải bụi như sử dụng hệ thống ống hút bụi trực tiếp từ các thiết bị đóng bao phân bón compost thường xuyên để giảm thiểu tối đa việc phát tán bụi trong nhà máy.
Hiện nay chi nhánh đã và đang thực hiện các giải pháp SXSH như sử dụng chiếu sáng tự nhiên, áp dụng ISO 14001, tuyên truyền 5S... điều này đã cho thấy chiến lược ngăn ngừa và giảm thiểu phát thải vào môi trường đã được ban lãnh đạo công ty quan tâm từ lâu.
Thông qua chương trình đánh giá nhanh SXSH tại nhà máy, nhóm thực hiện SXSH đã nhận diện và xác định được một số giải pháp hoặc nhóm giải pháp cần thực hiện, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế. Nhóm cũng kiến nghị Sở Công thương Bình Dương tiếp tục hỗ trợ chi nhánh trong đánh giá chi tiết, nghiên cứu khả thi cũng như hỗ trợ trong triển khai các giải pháp.
Rác thải là tài nguyên
Sau 17 năm hoạt động, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành 2 giai đoạn với khối lượng mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại. Với nguồn vốn đầu tư có tổng giá trị tương đương 30,5 triệu đô la Mỹ và giá trị đất 100ha cho cả 2 giai đoạn thực hiện dự án, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác khá hiện đại. Điều đáng chú ý, ngoài việc thu gom và xử lý rác thải, Khu Liên hợp Xử lý chất thải của tỉnh Bình Dương còn được đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị. Với tầm nhìn chiến lược trong hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, sự nỗ lực của lãnh đạo, tập thể cán bộ công ty và phương châm “Rác thải là một loại tài nguyên”, nhà máy nỗ lực tái chế, tận dụng rác để vừa góp phần bảo đảm môi trường vừa tiết kiệm chi phí.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, nhấn mạnh mọi hoạt động của chi nhánh đều lấy con người làm đối tượng hướng đến. Vì lẽ đó, chi nhánh đã và đang không ngừng nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ ưu việt, thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị với các lĩnh vực: Xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; sản xuất phân compost, sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, các sản phẩm gạch tái chế... với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà, tạo điều kiện hạ tầng thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước và ổn định về mặt mỹ quan đô thị.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, cho biết nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày; xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000kVA; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000m2/ ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày. Đặc biệt, đối với phần rác thải không thể tái chế thì vẫn có thể tận dụng bằng cách thu gom khí để tạo ra hệ thống máy phát điện với công suất lên tới 2.000kVA. Nhờ đầu tư, nâng cao công nghệ, cải tiến kỹ thuật xử lý rác làm nhiên liệu vận hành nhà máy điện đã góp phần tăng công suất, sản lượng điện từ xử lý rác thải mỗi năm. |
TIỂU MY - VĂN CÔNG