Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái: Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 20-09-2011 | 00:00:00

Sau một thời gian đi vào hoạt động, một số sản phẩm của khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) An Thái tại xã An Thái, huyện Phú Giáo đã có mặt trên thị trường. Với kết quả đã đạt được có thể xem khu NNCNC này đã tạo ra những nét chấm phá tích cực cho sự phát triển nông nhiệp Bình Dương.

Từ hiệu quả bước đầu

Trong đề án phát triển NNCNC của Bình Dương, Khu NNCNC An Thái có thể xem là một minh chứng cho sự lựa chọn hướng đi đúng đắn và là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng các mô hình sản xuất NNCNC với quy mô lớn. Được phê duyệt từ ngày 24-8-2009, dự án được phân thành các khu chức năng: tiểu khu trồng trọt I 55 ha (nông trại lan, cây cảnh); tiểu khu trồng trọt II 131 ha (các loại rau, nấm, hoa nhiệt đới); 48 ha trồng cây dược liệu; 104 ha nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái quý kết hợp du lịch sinh thái; 47 ha xây dựng khu nghiên cứu; 20 ha xây dựng khu dịch vụ; 64 ha dành cho cảnh quan, đường giao thông, sân bãi. Công nghệ được áp dụng gồm: công nghệ thông tin (hệ thống kiểm soát nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng bằng máy tính...); công nghệ sinh học (nuôi cấy mô tế bào, chế phẩm sinh học...); công nghệ vật liệu mới (công nghệ nhà kính, hệ thống làm lạnh, phun sương...), công nghệ tự động hóa (tưới nhỏ giọt tự động theo mô hình Israel...).

 Một góc khu NNCNC An Thái

Qua hơn 1 năm triển khai dự án, hiện tại Khu NNCNC An Thái đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống nhà kính trên diện tích 1 ha với hệ thống xử lý nước, tưới nước và bón phân tự động điều chỉnh hoàn toàn bằng công nghệ thông tin của Israel. Bên cạnh đó, còn triển khai ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động để trồng các loại rau sạch và cao cấp trên diện tích 2 ha (trong và ngoài nhà kính), gồm cà chua, ớt chuông, cà tím, dưa lưới... và đã hoàn chỉnh việc xây dựng kho lạnh để bảo đảm chất lượng hàng cung cấp và tiến tới xây dựng nhà máy phân loại, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế khi đi vào sản xuất đại trà.

Hiện nay Khu NNCNC với diện tích hơn 400 ha này đã bắt đầu cho những lứa sản phẩm đầu tiên và đã có mặt trên thị trường cách đây gần 1 năm. Ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, theo các dự báo thì sản xuất nông nghiệp trong tương lai sẽ càng khó khăn vì vậy sản xuất NNCNC chính là xu thế tất yếu. Sau một thời gian triển khai trồng thực nghiệm để tìm ra các loại cây trồng phù hợp, hiện nay tất cả các loại cây trồng trong khu đều đạt năng suất đề ra. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn luôn chú ý tìm tòi các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và chi phí thấp để nâng cao hiệu quả sản xuất với mong muốn tạo ra khả năng cạnh tranh mạnh với các sản phẩm ngoại nhập dựa trên tiêu chí cạnh tranh về chất lượng.

Các giống cây trồng được sản xuất trong khu phổ biến là các giống cây có nguồn gốc châu Á. Với các công nghệ sản xuất hiện đại nên hiện nay sản lượng của các loại cây trồng trong khu (chủ yếu là rau, dưa) đã đạt năng suất từ 100 - 120 tấn/ha. Sản lượng này đã gấp 3 - 4 lần các diện tích sản xuất với kỹ thuật thông thường. Hiện tại, sản phẩm được sản xuất nhiều nhất vẫn là dưa lưới. Bên cạnh đó các loại cây trồng khác như cà tím, ớt chuông qua các đợt trồng thử nghiệm cũng đã cho năng suất rất cao. Nói về đầu ra cho sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng hiện nay nhu cầu của thị trường Việt Nam là rất lớn, các sản phẩm của chúng tôi sản xuất ra chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của thị trường. Với thương hiệu UNIFARM, hiện nay các sản phẩm của khu đã có mặt trong các siêu thị lớn như Big C, Metro, CoopMart và đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Có được điều này là do song song với quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I đã tiến hành khảo sát thị trường và thực hiện các hợp đồng ghi nhận tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị. Hiện trong tuần cung cấp 3 - 4 đợt rau sạch cho các đối tác với mỗi đơn vị khoảng 15 tấn. Hiện nay với 2 ha đất sản xuất đang cho thu hoạch, tổng thu nhập của khu là khoảng 500 triệu đồng/tháng.

Chú ý lợi ích của người  dân địa phương

Với thành công trong việc trồng dưa, rau sạch, hiện nay trong khu cũng đang tiếp tục triển khai gần 10 ha trồng dược liệu trinh nữ hoàng cung theo nguyên tắc sạch để sản xuất thuốc Crila (điều trị u xơ tuyến tiền liệt và u xơ tử cung). Ngoài ra, còn triển khai 20 ha cây cảnh và cây công trình phục vụ nhu cầu cây tạo cảnh quan và cung cấp cho thị trường. Với chứng nhận Trang trại đạt tiêu chuẩn thực hành tốt về nông nghiệp toàn cầu (Global Gap) do Trung tâm Chứng nhận phù hợp - Quacert cấp đầu tháng 3-2011, sản phẩm của Khu NNCNC An Thái đủ điều kiện để tiếp cận thị trường các nước phát triển trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để đưa thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương ra thị trường thế giới.

Với kết quả bước đầu, Khu NNCNC An Thái đang tạo ra những niềm tin cơ bản cho hình thức sản xuất NNCNC. Hiện nay, nhiều người đã quan tâm hơn đến các hình thức sản xuất theo kiểu NNCNC và các sản phẩm NNCNC. Một trong các mục tiêu quan trọng của dự án là có sự tham gia của người dân địa phương. Trong thời gian tới, khi dự án đã hoàn thành, các hộ dân sẽ trở thành các vệ tinh sản xuất cung cấp sản phẩm cho khu. Quan điểm của những người làm dự án là ưu tiên cho lao động địa phương. Hiện thu nhập trung bình của công nhân trong khu khoảng 3 triệu đồng/tháng và được quan tâm các điều kiện lao động, sống an toàn, thuận lợi nhất. Hiện lực lượng sản xuất nòng cốt của khu là công nhân lao động trong nhà kính và đây cũng chính là những người được đào tạo huấn luyện để trở thành những “tư vấn viên” về sản xuất NNCNC cho mọi người sau này. Nói về những lợi ích cho người dân địa phương, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm, mục tiêu quan trọng khi khuyến khích người dân cùng tham gia sản xuất NNCNC chính là chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất cho các hộ dân. Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa là tạo ra nhận thức đúng đắn trong họ về NNCNC và ý thức tiêu dùng các sản phẩm NNCNC. Do nhận thức về sản xuất, ý thức tiêu dùng sản phẩm NNCNC của người dân chưa cao nên trong thời gian qua có thể thấy một số mô hình sản xuất NNCNC tại Bình Dương tuy có làm ra sản phẩm nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Một khi nhận thức của các hộ dân đã nâng lên và sản xuất đúng quy trình thì công ty sẽ đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho họ.

Từ nay đến cuối năm, tại đây sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà kính để tăng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó là tiếp tục nghiên cứu các mô hình sản xuất dưa lưới theo kỹ thuật mới để có thể đưa ra sản xuất đại trà. Giải thích về tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, sở dĩ dự án thực hiện chậm so với từng giai đoạn là do sản xuất NNCNC là một hình thức sản xuất đặc thù. Để có thể đưa ra một mô hình sản xuất phù hợp với Bình Dương đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian khảo sát, thử nghiệm, nghiên cứu mới có thể đưa ra mô hình chuẩn. Trong khi đó, là lực lượng đi tiên phong nên công ty cũng ít nhận được các hỗ trợ từ các trường, các viện về kiến thức NNCNC mà chủ yếu là tự tìm tòi, nghiên cứu.

Với những kết quả đã đạt được, Khu NNCNC An Thái đang tạo nên niềm tin về hiệu quả kinh tế sản xuất NNCNC trong sản xuất nông nghiệp của Bình Dương. Mặt khác, trong thời gian tới khi dự án hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Bình Dương cũng như nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại của người dân Bình Dương.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=961
Quay lên trên