Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng: “Đầu tàu” cho nông nghiệp Tân Uyên

Cập nhật: 01-10-2013 | 00:00:00

Sau một thời gian triển khai xây dựng, đến nay Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Với quy mô lớn, quy trình xây dựng bài bản, công nghệ hiện đại, khu NNCNC này đang được hứa hẹn là “đầu tàu” cho sản xuất NNCNC của Tân Uyên. 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam (bìa trái) kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng tại Khu NNCNC Tiến Hùng

 Bài bản và hiện đại

Khu NNCNC Tiến Hùng do Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Tiến Hùng làm chủ đầu tư, có diện tích quy hoạch trên 87 ha. Theo quy hoạch, sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục như khu điều hành nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm, trung tâm nghiên cứu phát triển giống gia súc, gia cầm, giống cây nguyên liệu; khu nuôi gà; khu nuôi heo; khu chế biến gia súc, gia cầm tập trung. Bên cạnh đó sẽ là phần đất trồng cây nguyên liệu; đất hạ tầng kỹ thuật dùng bố trí khu xử lý chất thải; đất cây xanh và đất giao thông.

Tháng 3-2013, Khu NNCNC Tiến Hùng đã cơ bản đi vào hoạt động. Đến nay, một số hạng mục chính đã được xây dựng xong như khu nhà điều hành, các công trình phục vụ cho chăn nuôi (nhà sát trùng, tháp nước, nhà kho, đường nội bộ…) và xây hoàn chỉnh 8/18 trại gà. Hiện nay đã đưa vào chăn nuôi 4 trại gà đẻ, 2 trại gà con hậu bị và đang lắp ráp máy móc, thiết bị nuôi gà tại 2 trại gà đẻ, mỗi trại chứa 30.000 con. Tính đến hết tháng 8-2013, đã nhập 180.000 con gà, trong đó có 120.000 con gà đang cho thu hoạch trứng và 60.000 con gà khoảng 14 tuần tuổi. Hiện tại mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 trứng gà sạch.

Bước đầu tại Khu NNCNC này, các dự án chăn nuôi gà sẽ được triển khai trước, sau đó sẽ tiến hành trồng cây nguyên liệu để tạo nguồn thức ăn cho gà, kế tiếp sẽ tiến hành chăn nuôi các gia súc khác như heo, bò theo hướng hiện đại. Với dự án chăn nuôi gà, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Hùng sẽ áp dụng công nghệ chăn nuôi gà của Đài Loan theo quy trình khép kín từ sản xuất con giống đến cung cấp sản phẩm ra thị trường (con giống, trứng gà, thịt gà). Với quy trình này, sản phẩm sẽ đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, chất lượng theo quy định. Ngoài ra, việc xử lý nước thải và phân gà cũng theo quy trình nghiêm ngặt, không gây ô nhiễm khi thải ra môi trường. Tất cả các dự án đều chủ yếu sử dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho thị trường.

Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Hùng cho biết, mục đích chính khi thực hiện dự án là nhằm góp phần nâng cao quy mô, chất lượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương. Và qua đó cũng góp phần đẩy mạnh cơ cấu, tỷ suất sản xuất nông nghiệp; đồng thời tạo ra việc làm cho lao động địa phương. Quá trình thực hiện dự án cũng đã gặp phải một số khó khăn nhất định như giá thành của các loại nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi khá cao, trong khi đó giá đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp đang khá thấp. Tuy nhiên, công ty nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của UBND tỉnh và các cấp, các ngành để từng bước khắc phục khó khăn và dần đi vào hoàn thiện khu. Cũng theo ông Lê Việt Hùng, tuy có những khó khăn nhất định nhưng trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục nâng cao sản lượng và hiệu suất sản phẩm để có thể tiếp tục mở rộng quy mô dự án trong thời gian sớm nhất.

“Đầu tàu” cho nông nghiệp Tân Uyên

Tân Uyên là địa phương có các hình thức sản xuất nông nghiệp khá đa dạng; có trên 100 trang trại với tổng diện tích sản xuất trên 1.800 ha. Các chủ trang trại chăn nuôi heo, gà, trồng cây có múi của Tân Uyên đã chú ý hơn đến việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất NNCNC nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiện tại Tân Uyên có 2 dự án NNCNC là Khu NNCNC Tiến Hùng và Trang trại Chăn nuôi gà công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân tại xã Vĩnh Tân. Cả 2 khu này đều ứng dụng các quy trình sản xuất hiện đại và đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Tuy nhiên với quy mô lớn hơn, lĩnh vực chăn nuôi đa dạng hơn, Khu NNCNC Tiến Hùng đang được hứa hẹn là “đầu tàu” có ảnh hưởng lớn nhất nhằm đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất NNCNC tại Tân Uyên lên tầm cao mới. Khu NNCNC này nếu được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động hết công suất sẽ sử dụng nguồn lao động tại địa phương (khoảng 200 người) làm việc tại các khâu có liên quan đến kinh nghiệm của người lao động. Bên cạnh đó sẽ là các tiểu dự án khác như chuyển giao công nghệ cho người dân tự sản xuất và cung cấp sản phẩm. Việc thực hiện dự án không chỉ đem lại lợi nhuận cho công ty mà còn tạo điều kiện phát triển nông nghiệp và nhân rộng mô hình ra các vùng xung quanh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Bông: Cần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tăng sức cạnh tranh

Với quy mô lớn, quy trình sản xuất hiện đại, Khu NNCNC Tiến Hùng sẽ góp phần bảo đảm ổn định nguồn thực phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương đang tiếp tục hướng dẫn công ty thành lập các khu chức năng theo tiến độ của dự án và hướng dẫn cho công ty xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa để có sức cạnh tranh mạnh tại thị trường trong tỉnh, trong khu vực và hướng đến là các thị trường nước ngoài.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1997
Quay lên trên