Mặc dù TP.Thuận An đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước đường D2, D3 trên địa bàn khu phố 3, phường An Phú, tuy nhiên những trận mưa lớn đầu mùa mưa năm nay, hàng trăm căn nhà trên khu vực này vẫn bị ngập sâu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, môi trường bị ô nhiễm. Trước thực trạng này, người dân nơi đây kiến nghị các cấp, các ngành cần có giải pháp chống ngập hiệu quả.
Mưa lớn, các tuyến đường N1, D1, D2, D3 thuộc khu phố 3, phường An Phú bị ngập nặng
Đường trở thành “sông”
Chị H.T.N., chủ một tiệm tạp hóa trên đường D3, chia sẻ: “Chỉ cần sau 15 phút mưa lớn là nước đã dâng cao hơn nền nhà. Mặc dù gia đình đã xây gờ ngăn nước cao gần 0,5m so với nền nhà, nhưng trận mưa hôm 18-5 nước đã tràn vào nhà, ngập nhiều vật dụng sinh hoạt. Sau cơn mưa trên đường toàn bùn, rác bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường”.
Anh Hoàng Ngọc, người dân ở đường D3, chia sẻ: “Tình trạng mưa xuống là đường lại ngập đã kéo dài nhiều năm nay trên tuyến đường này. Hệ thống thoát nước đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên cơn mưa lớn ngày 21-5 vừa qua, đường ngập sâu, đi lại khó khăn, xe chết máy, hầu như nhà nào cũng bị nước ngập. Nếu địa phương không có giải pháp thoát nước kịp thời, tình trạng ngập sâu tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”.
Chị Chu Thị Thu, công nhân ở trọ trên đường D2, chia sẻ khoảng 21 giờ tối 18-5, mưa lớn nước tràn vào nhà trọ, nhiều vật dụng nổi lềnh bềnh. Phòng trọ bên cạnh là gia đình có 2 trẻ nhỏ, nước tràn vào phòng, các cháu sợ hãi, la khóc. Tôi phải chạy sang phụ gia đình họ đưa vật dụng lên cao, máy giặt, tủ lạnh không di dời được bị ngập nước dẫn đến hư hỏng”.
Càng chống càng ngập, vì sao?
Ông Nghiêm Xuân Quang, Tổ trưởng Tổ 2, khu phố 3, cho biết nhiều năm nay, để khắc phục tình trạng ngập nước, nhà ở và các phòng trọ của gia đình, ông đã đầu tư máy bơm để hút nước. Trên tuyến đường D3 hiện có 63 hộ dân đang sinh sống, đây cũng là khu vực trũng nhất của khu phố.
Nhiều gia đình tại khu phố 3 phải dùng bơm hút nước để chống ngập nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời
“Chính quyền địa phương đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước, người dân chúng tôi rất vui mừng và tin rằng khu vực này sẽ không còn chịu cảnh “chạy lũ”. Tuy nhiên, sau khi hệ thống thoát nước được xây dựng hoàn thành, những trận mưa đầu mùa xuất hiện thì người dân vẫn chịu cảnh nước ngập. Đáng nói là sau khi xây dựng hệ thống thoát nước, nâng cấp mặt đường, nước ngập sâu hơn trước. Khu vực này vốn đã trũng nay còn trở thành “rốn nước”, nhà nào cũng phải xây vách chắn, nâng cao bậc thềm, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời”, ông Nghiêm Xuân Quang nói.
Theo người dân địa phương, qua giám sát thi công hệ thống thoát nước, nâng cấp mặt đường D2 vào năm 2023, mương thoát nước được thiết kế xây dựng nhỏ hơn so với khẩu độ cống thoát nước cũ. “Người dân chúng tôi phải tự đầu tư thêm hệ thống ống dẫn nước trên mái và mua thêm máy bơm để hút nước. Giờ đây cứ đi đâu mà thấy cơn mưa, chúng tôi lại phải vội chạy về để trực chiến bơm nước”, ông Quang chia sẻ.
Trước thực trạng trên, người dân khu phố 3 đã nhiều lần liên hệ chính quyền địa phương kiến nghị khảo sát để tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như giải pháp chống ngập. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước tại khu phố 3, nhất là trên các tuyến D1, D2, D3, N1 là do lượng nước từ đường ĐT743 tràn xuống khi có mưa. Địa phương đã báo cáo và kiến nghị UBND thành phố đề nghị các cơ quan tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Văn Hưng, cho biết thêm khi chưa vào mùa mưa, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nạo vét một số tuyến cống tại khu phố 3 cũng như hệ thống cống thoát nước khác trên địa bàn phường, nhưng vẫn giải quyết triệt để tình trạng bị ngập khi mưa lớn.
PHƯƠNG LÊ