Hiện nay ở khu vực ấp Rạch Bắp, xã An Tây, TX.Bến Cát do chưa được xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước nên mỗi khi mưa lớn người dân lại phải chịu cảnh “sống chung với nước” ở trong nhà. Mưa lớn gây ngập đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống và thiệt hại đến của cải vật chất, hoa màu của người dân nơi đây.
Anh Huỳnh Văn Quẹo, ấp Rạch Bắp, xã An Tây phải xây tường ngăn nước tràn vào nhà
Dân khổ vì nước ngập
Anh Huỳnh Văn Quẹo, người dân ấp Rạch Bắp, xã An Tây cho biết: “Hễ cứ trời mưa là chúng tôi ở khu vực này lại chịu khổ vì nước ngập. Khi mưa lớn, nước tràn vào nhà tôi ngập đến đầu gối chân, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây ô nhiễm môi trường. Gia đình tôi đã phải xây vách tường ngăn nước vào nhà. Cây cối trong vườn cũng đều do ngập nước mà bị hư hại”.
Ông Lê Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Bến Cát, cho biết tại khu vực ấp Rạch Bắp, xã An Tây, trong quá trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT744 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đã san lấp toàn bộ mương thoát nước dọc của tuyến đường cũ trước đây (do Phòng Kinh tế và UBND xã An Tây thi công nạo vét vào năm 2011) và chưa tiến hành xây dựng hệ thống thoát nước dọc và các cống qua đường. Vì vậy khi mưa lớn, lượng nước do không có lối thoát đã chảy tự do tràn qua đường ĐT744, sau đó đổ vào nhà dân gây ngập.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết tại khu vực này, trước đó cũng vì chưa xây dựng hệ thống thoát nước hai bên đường ĐT744 nên cũng đã xảy ra trận ngập nước vào đêm mưa ngày 23-8- 2014 khiến cho 14 hộ dân bị ảnh hưởng và 1 công trình đường giao thông nông thôn bị hư hỏng.
Vừa qua, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện khảo sát tình hình quy hoạch, đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước ngoài hàng rào các khu công nghiệp trên địa bàn TX.Bến Cát. Tại buổi khảo sát trên khu vực ấp Rạch Bắp, ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đánh giá, thời gian qua, đây là khu vực đã gánh chịu những sự cố ngập úng do hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả. Hiện nay, bất cập là đơn vị thi công dù làm cống để thoát nước nhưng đã 2 năm nay không sử dụng, không khai thác để nước tràn qua đường ảnh hưởng đến hộ dân là không hợp lý. Về mặt điều hành chính quyền phải nghiên cứu xử lý, hiện người dân đang bức xúc.
Đẩy nhanh biện pháp khắc phục
Trước thực trạng trên chúng tôi đã trao đổi với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị chủ đầu tư dự án Nâng cấp mở rộng đường ĐT744 để tìm hướng khắc phục. Ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết theo thiết kế được duyệt, khu vực ấp Rạch Bắp hiện chưa có hệ thống thoát nước dọc hoàn chỉnh, cống ngang tại đây cũng chưa có phần mương dẫn đến hạ lưu. Vào mùa mưa, nước tập trung từ sườn dốc phía tây đường ĐT744 tập trung về gây thiệt hại hoa màu, cây trái của các hộ dân ở hạ lưu phía đông. Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư gia cố hạ lưu của các cống ngang trên đường ĐT744 tại Công văn số 1853/ UBND-KTTH ngày 11-6-2015.
Trong thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư hạng mục nêu trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đã kết hợp với UBND TX.Bến Cát có kế hoạch vận động các hộ dân cho kiểm kê và tạm bàn giao mặt bằng trong phạm vi mương dẫn cống Rạch Bắp, để tiến hành nạo vét thông dòng chảy. Sau khi dự án đầu tư phần hạ lưu các cống trên ĐT744 được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ tiến hành chi bồi thường và đầu tư hoàn chỉnh đoạn mương dẫn hạ lưu nói trên.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Lê Thành Tâm, Phó phòng Kinh tế TX.Bến Cát, cho biết thị xã chưa biết lộ trình hoàn chỉnh đoạn mương dẫn hạ lưu đến lúc nào xong, nên trong thời gian tới thị xã sẽ xin nguồn vốn để nạo vét khai thông nhằm giải quyết tạm thời trong thời gian chờ thi công.
Ông Tâm cho biết thêm, trong tháng 6-2015 vừa qua TX.Bến Cát đã quyết định hỗ trợ hơn 24 triệu đồng đến người dân do chịu thiệt hại của đêm mưa ngày 23- 8-2014. Theo ông Lê Thành Tâm đoạn thoát nước từ khu vực cống Rạch Bắp chảy ra sông Sài Gòn chỉ có 2km. Do đó người dân rất mong các cấp, các ngành có liên quan sớm triển khai thực hiện kế hoạch để không còn tình trạng ngập nước vào nhà dân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống cũng như ảnh hưởng đến cây cối của người dân.
PHƯƠNG AN