Khu vực kinh tế tư nhân góp sức cùng Bình Dương phát triển

Cập nhật: 09-10-2024 | 08:59:00

Cùng với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân tại Bình Dương cũng phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Khu vực kinh tế này đã và đang có những đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đời sống xã hội ở địa phương.

Đóng góp quan trọng

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty TNHH Cường Phát (TP.Thuận An) có hơn 500 công nhân lao động, sản xuất ra hàng chục chủng loại sản phẩm sứ cao cấp xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Hiện tại, công ty đã áp dụng công nghệ sản xuất gốm sứ cao cấp tự động và bán tự động ở tất cả các khâu, trong đó công đoạn phối trộn nguyên liệu và công đoạn nung (là hai công đoạn trọng yếu) đã được đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa nên chất lượng các dòng sản phẩm luôn đồng đều. Công ty còn có những bí quyết riêng tạo ra loại men đặc biệt để nâng cao tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhờ vậy, công ty duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 10%; doanh thu xuất khẩu gần 10 triệu USD/năm.

Ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, chia sẻ có được thành công như ngày hôm nay ngoài những yếu tố thuận lợi về điều kiện giao thương, sản xuất của địa phương, công ty luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương, nỗ lực lựa chọn quy mô tổ chức doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của mình. Công ty đã đầu tư đúng mức cho công nghệ, quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho người lao động.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Bình Dương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Điện lạnh Việt - Nhật

Đối với Công ty TNHH Điện tử Điện lạnh Việt - Nhật (TP.Bến Cát), sau hơn 15 năm thành lập công ty đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất các dòng sản phẩm điện tử, điện lạnh có chất lượng cao, bằng việc tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất mới, đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất hiện đại. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đạt hiệu quả cao, doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 200 triệu USD. Ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Điện lạnh Việt - Nhật, tự tin cho biết những kết quả đạt được trong thời gian qua là sự khích lệ rất lớn để công ty thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển giai đoạn 2020-2025, hướng đến tăng tốc đầu tư số hóa sản xuất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử trong thời gian tới.

Đến nay, Bình Dương có hơn 70.000 doanh nghiệp tư nhân với số vốn đăng ký hơn 700.000 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sông Bé vào năm 1986 - năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp khoảng 40% GDP của tỉnh, đồng thời góp phần bảo đảm tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của địa phương hàng năm thuộc top đầu của cả nước.

Không chỉ thành công trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân Bình Dương luôn đồng hành với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề xã hội, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, chương trình giảm nghèo, công tác xã hội từ thiện vìcộng đồng, xây dựng nông thôn mới vàngày càng gắn bóhơn với giai cấp công nhân và nông dân... góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Vững vàng bước vào kỷ nguyên số

Khu vực kinh tế tư nhân tại Bình Dương không chỉ năng động trong sản xuất kinh doanh, nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế thị trường mà còn tích cực đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số hiện nay khu vực kinh tế này đã chủ động đầu tư ứng dụng quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và phát triển thị trường.

Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) là một điển hình. Được thành lập năm 1989, đến nay TBS Group đã trở thành tập đoàn sản xuất và đầu tư đa ngành ở Việt Nam với 10 tổ hợp công nghiệp, hơn 30 nhà máy, hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất da giày, túi xách, đầu tư, kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản và hạ tầng công nghiệp, cảng và logistics cùng lực lượng lao động lên đến 50.000 người. Trong thời gian qua, bên cạnh việc không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, TBS Group còn đầu tư hàng chục triệu USD hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số và chuyển đổi số với hệ thống SAP. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group, việc sớm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống SAP đã mang lại hiệu quả to lớn cho công ty trong việc điều hành sản xuất, nắm bắt thị trường, định hướng đầu tư và giảm đáng kể chi phí quản lý. Trong khi đó, công tác điều hành của lãnh đạo công ty có thể xuyên suốt và ngay tức thì không kể thời gian và không gian, nên tạo được động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho đơn vị trong thời gian qua. Trong các dự án mới công ty đang triển khai đều lựa chọn những công nghệ mới nhất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong sản xuất kinh doanh.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh trong thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ phù hợp, số lượng doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Bình Dương thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, khu vực kinh tế tư nhân ở Bình Dương sẽ ngày càng vững mạnh hơn.

Mục tiêu Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31-3-2023 của Chính phủ nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%; đến năm 2030 đạt 60 - 65% GDP.

TUẤN ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=921
Quay lên trên