Anh Luận hướng dẫn khách tham quan mô hình nuôi chim chích chòe lửa
Mặc dù khó nhưng chúng tôi vẫn tìm ra nhà anh Luận ở một địa bàn khá sâu của huyện Tân Uyên. Ngôi biệt thự xinh đẹp nằm giữa vườn bưởi rộng lớn, quanh nhà treo đầy lồng chim với bầy chó dữ canh chừng. Chủ nhà còn khá trẻ (36 tuổi), bản tính hồn nhiên, khoái đối ẩm cùng bạn bè và thích nói chuyện cây rừng, chim chóc. Anh Luận sinh ra, lớn lên ở Hiếu Liêm, từ lúc vùng đất này còn là chốn “khỉ ho, cò gáy”. Những tiết tấu diệu kỳ vào những buổi ban mai, những giai điệu gọi bạn, gọi đàn của những loài chim rừng đã khiến anh Luận nghiêng về thiên nhiên hồi nào không hay. Để chứng minh, chỉ một tiếng huýt sáo của anh Luận vang lên, lập tức hàng trăm con chim đua nhau đánh tiếng líu lo đáp trả. Trong bản hòa âm ấy, chúng tôi không khó để nhận ra đâu là tiết tấu của chích chòe, chào mào và đâu là hợp xướng của hồng tước, khướu, vàng anh... Vui tai nhất vẫn là tiếng của những con chim chích chòe lửa. Chúng đua nhau đánh đuôi, chạy kèo, đổi giọng từ huýt sáo sang tiếng hót của hồng tước, chào mào rồi giả làm tiếng chó sủa, trẻ con khóc oe oe...
Do từ nhỏ đã ở vùng sâu nên chủ nhà không có điều kiện để sở hữu những bằng cấp văn hóa. Tuy nhiên, nghiên cứu tập quán đời sống, thuần dưỡng và nhân giống chim chích chòe lửa thì ở Việt Nam hiếm có người nào sánh kịp anh Luận. Nói về cái duyên đến với chích chòe lửa, anh Luận cho hay: “Nghề chính của tôi là làm vườn trồng cam, trồng bưởi chứ không phải nuôi chim. Mấy năm gần đây, chích chòe lửa không còn nhiều vì bị săn bắt đến cạn kiệt. Ở Hiếu Liêm, chích chòe lửa có dáng đẹp, giọng hót hay nên tôi bỏ công tìm cách thuần dưỡng, nhân giống để lưu giữ loài chim đẹp của Hiếu Liêm”.
Anh Luận cho biết ngôn ngữ gợi tình của chim chích chòe lửa thường bắt đầu bằng bản hợp xướng vào ban mai trên đại ngàn. Sau khúc gợi tình ấy là những cuộc “ái ân” lãng mạn và kết quả là đàn chim non xinh xắn đáng yêu ra đời. Đối với chim nuôi nhốt, do thiếu những cung bậc gợi tình tuyệt vời như thế nên rất khó kích thích để chim sinh sản! Tuy nhiên, anh Luận đã làm được điều đó. Thậm chí anh đã thuần được 10 đôi chim chích chòe thuộc loại giống quý, có giá trị kinh tế cao. “Giang sơn” ấm áp của bầy chim chích chòe lửa do anh Luận tạo ra là những “căn lều” nhỏ, nằm xen giữa những vườn cây trái sum suê. Trong từng “căn lều” riêng, những đôi chim hoàn toàn hài lòng với những gì mình đang có: Cảnh quan núi rừng, những hòn non bộ hình núi cao, ẩn hiện xung quanh là những gốc cổ thụ bề thế, khe nước róc rách chảy... Những gốc cây rừng lên đến 300 tuổi, bị gãy đổ vẫn còn cành nhánh được anh Luận cắt tỉa cẩn thận dùng làm nơi để chích chòe đứng tắm nắng, rỉa lông, phô giọng hót gọi bạn tình. Anh Luận nói: “Tạo những gốc này để chim nhảy múa khỏi phải nhớ rừng sâu”. Lưng chừng các mái lều là những cái vò bằng sành sứ, được bố trí rất hợp lý để chim chích chòe lửa “lâm bồn”. Anh Luận giải thích: “Loài chích chòe vốn không khéo xây tổ, chúng thường chọn những bộng cây cổ thụ có sẵn lót ổ qua loa rồi đẻ trứng. Nhưng nếu mình làm tổ mà không đúng hướng gió, tạo độ ẩm không thích hợp và thu hút nhiều côn trùng đến cắn phá thì chích chòe cũng khó mà sinh sản và ấp nở thành công”. Một tổ chim chích chòe lửa chuẩn bị ấp
Chỉ vào đôi chích chòe lửa đang “hạnh phúc” trong khu rừng thu nhỏ trước nhà, anh Luận cho biết: “Rất khó để tìm được bạn tình hợp ý cho chim và thỏa ý mình. Mất mấy năm trời tôi mới chọn được chú chim trống ưng ý có bộ dáng tuyệt đẹp, tiếng hót hay, thanh thót. Tôi từng “gạ” cho nó nhiều cô chim mái có vóc dáng đẹp, giọng thanh thót và cứ tưởng chúng sẽ nhanh chóng “bén duyên” sẵn sàng cho ra đời những chú chim non tinh khôn đáng yêu. Nào ngờ kết quả của những mối tình “gượng ép” ấy thật bi thảm, bởi một khi không chịu, chim trống “vũ phu” đến mức đá chết bạn tình lúc nào không hay. Một con chim mái ưng ý đôi khi phải mua đến mấy triệu bạc, vậy mà phải hy sinh đến con mái thứ 6 thì chim trống mới chấp nhận bạn tình”. Hé nở nụ cười nhẹ, anh Luận khoe: “Giờ thì đôi chim này đang đẻ ra tiền. Chim bố mẹ sinh ra bao nhiêu là được khách đặt mua hết bấy nhiêu, giá 3 triệu đồng mỗi cặp, mỗi năm chim mẹ đẻ 8 lứa, mỗi lứa nở từ 4 đến 5 con”.
“Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi sinh sản chích chòe lửa. Nếu ai có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chim chích chòe lửa, xin cứ liên hệ qua số điện thoại: 0947.928000 ”
(anh TRẦN KẾT LUẬN)
Chỉ vào những chú hồng tước, khướu, chào mào, anh Luận giải thích: “Chúng là thầy của chích chòe con đấy! Chim chích chòe con học theo tiếng của chúng khi bắt đầu lớn lên”: Anh Luận tự tin: “Chim chích chòe tôi cho sinh sản, nuôi lớn, bán ra giỏi hơn nhiều so với chim chích chòe đánh bắt tự nhiên. Chẳng những chúng biết ngôn ngữ của các loài chim ngoài tự nhiên mà còn biết cả tiếng em bé khóc, tiếng chó sủa, tiếng xe máy… Nuôi lâu có kinh nghiệm, nên anh Luận còn trở thành “bà mụ” cho chim chích chòe. Anh nắm quy luật sinh sản cũng như chủ động nuôi chuyền, dạy ăn, dạy hót cho chim non. Ngoài những chú hồng tước, chào mào, khướu líu lo dạy hát cho chim non, anh Luận còn sắm một dàn đĩa CD, cùng một cái máy cassette ghi âm sẵn hàng trăm thứ âm thanh khác nhau và phát liên tục để dạy chim non hót theo.
Anh Luận còn biết lắng nghe tiếng gọi tình của chim để chủ động bỏ rác vào tổ cho chúng xây tổ. Chim xây tổ khoảng 4 ngày thì bắt đầu đẻ trứng, sau đó ấp khoảng 10 - 12 ngày thì nở ra chim non, nuôi tiếp 8 ngày là chim non đủ lông, biết ăn. Lúc này, anh Luận chủ động tách bố mẹ để thuần dưỡng, dạy chúng theo ý mình. Anh Luận còn là “bác sĩ” giỏi giúp chim vượt qua cơn nguy kịch. Chỉ cần nhìn dáng điệu, ngửi mùi phân là anh có thể biết chim đang bị bệnh gì. “Chim thường bị bệnh đường ruột, khi lại gần lồng chim mà ngửi thấy mùi phân tanh tanh, phải nhanh chóng trộn thuốc vào thức ăn cho chim ăn. Phát hiện bệnh kịp thời có thể cứu chữa thành công đạt 70%”, anh Luận cho biết.
Từ thành công trong nuôi sinh sản chim chích chòe lửa hót, anh Luận đang tiến hành nuôi sinh sản chim khướu và thậm chí cả những loài chim ít xuất hiện ở miền Nam như họa mi. Từ thành công này của anh Luận sẽ làm nên điều kỳ diệu là những giai điệu độc đáo của thiên nhiên, núi rừng sẽ mãi đồng hành cùng cuộc sống con người. Quan trọng hơn, thành công của anh Luận sẽ góp phần bảo tồn những nguồn gien quý hiếm của các loài thiên điểu để thế hệ con cháu chúng ta còn diễm phúc thụ hưởng những bản giao hưởng tuyệt vời của thiên nhiên, mà chích chòe lửa là thiên sứ.
HÒA NHÂN - CHÍ THANH