Khủng hoảng kinh tế: Thách thức cũng mở ra cơ hội

Cập nhật: 11-10-2012 | 00:00:00

Khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước thời gian qua đã tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đã lên đến con số hàng nghìn. Riêng tại TP.HCM, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chiếm khoảng 70%.

Tuy nhiên, khủng hoảng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Khủng hoảng tác động đến doanh nghiệp

Tại hội thảo “Khủng hoảng kinh tế - Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” được tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, trong năm 2012, lạm phát được kiểm soát tốt và đạt mức thấp nhưng đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại. Mặc dù trần lãi suất cho vay đã hạ xuống còn 15% nhưng vẫn ở mức cao so với khả năng của doanh nghiệp.

  Ảnh minh họa. Trong khi đó, Chính phủ vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ ngay. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn chậm, đang đối mặt với nhiều bất ổn, tỷ lệ nợ xấu còn cao, chưa có biện pháp giải quyết cụ thể nên ngân hàng sẽ hạn chế và thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán và bất động sản trì trệ nên khó có thể huy động vốn qua hai thị trường này. Tất cả những điều này khiến doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng.

Trong tình hình đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân hàng như mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết với các công ty trong và ngoài nước; các quỹ đầu tư tư nhân, tìm kiếm các đối tác chiến lược; huy động vốn qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mặt khác, doanh nghiệp cần cắt giảm những công ty con, những khoản đầu tư chưa đem lại lợi nhuận hay sử dụng những công nghệ tiên tiến để tạo môi trường mới, sức cạnh tranh mới.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM khuyến cáo, nguy cơ lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là mất thị trường, bởi khủng hoảng từ thị trường có tác động rất lớn, khiến doanh nghiệp không bán được hàng.

Nguy cơ thứ hai trong khủng hoảng hiện nay là doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, bởi trên 75% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn ngân hàng. Không bán được hàng, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thì doanh nghiệp hoạt động chẳng khác gì "chiếc xe chạy mà không có xăng."

Ông Đặng Đức Thành, đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt hiện nay, nguồn vốn hết sức khó khăn, doanh nghiệp cần có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý. Nếu như trước đây, kinh doanh mà không vay ngân hàng là không biết kinh doanh, thì nay doanh nghiệp cần xem vốn vay của ngân hàng chỉ là khoản phụ.

Cơ hội kinh doanh mới

Các chuyên gia cũng cho rằng khủng hoảng vừa là nguy cơ vừa là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp rà soát, xác định chiến lược kinh doanh, tổ chức và cấu trúc lại doanh nghiệp với những tính năng thích nghi, linh hoạt, ứng phó nhanh, bản lĩnh trước những bất trắc trong kinh doanh. Sự trụ vững và lâu bền nơi khách hàng và môi trường kinh doanh chính là lòng tin, chữ tín, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua sản phẩm, ứng xử với người lao động, khách hàng, môi trường.

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, mỗi lần biến động là một lần thanh lọc các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và tạo ra những doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh.

Đứng trước khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp cần tự đánh giá lại mình, tái cấu trúc, điều chỉnh và xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trong khủng hoảng, cơ hội doanh nghiệp có được cũng nhiều, chẳng hạn như tái cấu trúc lại doanh nghiệp, thanh lọc nhân sự... Trong hình hình khó khăn về vốn, không ít doanh nghiệp vẫn tiếp cận vốn vay dễ dàng nhờ có chế độ quản trị tài chính khoa học, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Rõ ràng, những doanh nghiệp đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay đều là những doanh nghiệp có thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách bán hàng và kênh phân phối khoa học. Thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp làm tốt bằng cách đưa hàng về nông thôn, đưa hàng vào các chợ truyền thống, có chính sách giảm giá, khuyến mãi, ưu đãi cho các đại lý, cạnh tranh tốt với các định chế thương mại khác.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận chia sẻ, khủng hoảng là lúc các doanh nghiệp cần xem xét lại chiến lược phát triển để tập trung vào các sản phẩm mà thị trường chấp nhận. Trước đây doanh nghiệp này có 6 khoản đầu tư nhưng hiện tại đã mạnh dạn thoái 100% vốn ở 3 khoản đầu tư không hiệu quả để tập trung vào mảng kinh doanh chính là nữ trang, nhờ đó mà doanh nghiệp đã hạn chế được nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=388
Quay lên trên