Khuyến khích các trang trại phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, công nghệ cao

Cập nhật: 17-07-2012 | 00:00:00

Trong những năm qua, mặc dù kinh tế trang trại (KTTT) ở Bình Dương không ngừng phát triển, tuy nhiên vẫn có sự chuyển dịch giảm trang trại (TT) trồng trọt và tăng TT chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp theo đúng định hướng về chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp. Hiện nay, ngành nông nghiệp cũng đã và đang khuyến khích các TT phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao. P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác - Chi cục Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết khái quát tình hình phát triển KTTT của Bình Dương trong thời gian qua, thưa ông?

- Tính đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có 938 TT, với diện tích 10.302 ha và sử dụng 5.151 lao động. Trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều chủ TT điển hình, đi tiên phong trong đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, trí tuệ và sức lực để tạo ra những sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều mô hình KTTT đã tạo ra bước chuyển cơ bản về giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập của TT vượt trội hẳn so với kinh tế hộ, thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm bớt áp lực thiếu việc làm ở nông thôn, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động. Một số TT sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như TT cá dĩa, cây cảnh, cá sấu...

- Bên cạnh những thành quả đó, KTTT hiện còn tồn tại những vấn đề gì?

- Một số nơi phát triển KTTT mang tính tự phát, không có và không theo quy hoạch. Các xã chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển TT nên khi hộ nông dân có điều kiện muốn phát triển TT thì UBND xã thường lúng túng trong điều hành, không tạo được sự liên kết giữa phát triển TT với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung và định hướng phát triển chung của cả vùng. Một số TT chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu. Nhiều chủ TT chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường nên sản xuất thụ động, hiệu quả thấp. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm và chưa được các TT lưu tâm đến nhiều. Nhiều TT thiếu vốn dẫn đến đầu tư không đồng bộ, chưa đủ sức đầu tư theo chiều sâu. Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thực sự quan tâm, đánh giá đúng mức thị trường cho vay phát triển KTTT.

Cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh làm tăng chi phí sản xuất của TT nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu bất thường, dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tục xảy ra cũng làm nhiều TT chăn nuôi gia súc, gia cầm, TT thủy sản bị thiệt hại và gặp nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với các TT, nhất là những TT chăn nuôi nằm xen kẽ khu dân cư do chất thải chưa được xử lý, khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Phần lớn các TT mới chủ yếu tập trung mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật truyền thống mà chưa quan tâm nhiều tới việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, tưới nước, cơ giới hóa, bảo quản chế biến...

Một hạn chế nữa là đa số các chủ TT có trình độ học vấn không cao nên việc điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lao động làm việc trong TT chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề. Điều này khó khăn cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, quản lý vào sản xuất, kinh doanh từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả làm ăn. Đầu tư của nhà nước cho phát triển KTTT còn ít, còn bất cập cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, các TT còn thiếu thông tin trong việc tiếp cận các chính sách. Phần lớn các chủ TT chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư tài chính, tín dụng...

- Vậy thời gian qua Bình Dương đã có những chính sách khuyến khích nào để thúc đẩy KTTT phát triển?

- Về chính sách thì Bình Dương đã có Quyết định số 88/2004 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển KTTT gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng chuyên canh nông nghiệp tỉnh Bình Dương”. Đây là những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp; nâng cao vị thế cạnh tranh hàng hóa nông sản ở thị trường trong nước và thế giới. Vấn đề giao đất, thuê đất cũng như việc cấp GCN QSDĐ được UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo tạo thuận lợi giúp cho chủ TT có điều kiện vay vốn ngân hàng, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Hỗ trợ khoa học kỹ thuật thông qua các chương trình tập huấn, tham quan và trao đổi kinh nghiệm.

Về chính sách tín dụng, ngoài việc thế chấp GCN QSDĐ, chủ TT còn được thế chấp bằng giá trị vườn cây và một số tài sản có giá trị khác. Hầu hết chủ TT đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, mức vay từ hàng chục triệu đồng trở lên, trong đó có TT đã vay hàng tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Tỉnh cũng chú trọng đến việc đầu tư đưa điện về vùng sâu, vùng xa, nâng cấp các trục lộ chính, làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và xây dựng chợ nông thôn... tạo điều kiện cho TT ngày càng phát triển bền vững.

- Hiện nay, nhiều chủ TT cho biết còn gặp khó khăn cho đầu ra sản phẩm, vậy ngành chức năng đã có những giải pháp nào để tháo gỡ?

- Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì tổ chức nhiều buổi hội thảo về vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản; tổ chức triển khai Quyết định 80/2002/QĐ-CP về ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản và luôn là cầu nối tạo sự gắn kết giữa người sản xuất và các nhà chế biến, tiêu thụ nông sản, nhằm giúp chủ TT tìm được đầu ra ổn định và định hướng sản xuất những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

- Hướng phát triển KTTT Bình Dương trong giai đoạn tới như thế nào, thưa ông?

- Trong thời gian tới KTTT tỉnh Bình Dương sẽ phát triển theo các loại hình chủ yếu như TT chuyên canh cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; TT kết hợp trồng trọt - chăn nuôi; TT cây ăn trái gắn du lịch (khuyến khích các TT phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, TT gắn với các cây trồng vật nuôi theo hướng công nghệ cao bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt các tiêu chuẩn về hàng hóa nông nghiệp như VietGap, GlobalGap)... Về quy mô sẽ phát triển theo dạng TT quy mô lớn chủ yếu bằng quá trình tích tụ đất đai từ các nông hộ ở các huyện phía Bắc của tỉnh; sau đó là các TT nhỏ và vừa gắn với hiện đại hóa trong sản xuất ở các huyện, thị xã phía Nam. Do đó, có thể giảm về số lượng nhưng sẽ tăng về vốn đầu tư, về giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của chủ trang trại.

- Xin cám ơn ông!

NHÓM P.V KT (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên