Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhóm cơ sở hạ tầng chính như điện, đường, trường, trạm và công trình phục vụ cộng đồng, thời gian qua tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, tạo tiền đề xây dựng một Bình Dương văn minh, phát triển bền vững.
Đoàn công tác của HĐND tỉnh giám sát các hoạt động quan trắc và xử lý nước thải tại Xí nghiệp nước thải Thủ Dầu Một
Tầm nhìn dài hạn
Việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và công nghiệp được tỉnh đặt ra ngay từ khi xây dựng mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp. Chính nhờ vào tầm nhìn mang tính chiến lược, trải qua quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế mạnh nhưng môi trường sống của Bình Dương vẫn được duy trì ở mức tốt.
Năm 2017, tỉnh giao các sở, ban, ngành chức năng và các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực tiến hành hoạt động thí điểm mô hình quan trắc môi trường gắn liền với đầu tư xây dựng hệ thống các nhà máy xử lý chất thải, nước thải. Trong đó, riêng lĩnh vực dự báo, quan trắc và xử lý các loại chất thải, nước thải sinh hoạt được tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Qua hơn 4 năm tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay nhận thức chung của người dân cơ bản đã được nâng lên. Theo đó, thay vì tiếp tục duy trì thói quen đào hố tự hoại thiếu khoa học và gây ra nguy cơ cao ô nhiễm môi trường sống kèm theo sạt lở, hiện nay hầu hết người dân ở các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh đã chủ động đấu nối hệ thống xả thải nước sinh hoạt vào đường dẫn chung.
Đối với nguồn nước, rác thải công nghiệp, tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành chức năng thường xuyên tổ chức giám sát, thanh kiểm tra đột xuất để bảo đảm các doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng hệ thống các trạm quan trắc tự động và bán tự động mà Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các doanh nghiệp thực hiện trong những năm qua là cơ sở rõ nét nói lên quan điểm và tầm nhìn dài hạn mà tỉnh đã và đang hướng tới.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Phát biểu tại buổi giám sát tại Xí nghiệp nước thải Thủ Dầu Một, thuộc Công ty Cổ phần Môi trường - Nước Bình Dương (Biwase) mới đây, bà Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đánh giá cao về việc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt của xí nghiệp. Qua nhiều khâu xử lý được thực hiện bài bản đúng tiêu chuẩn châu Âu, nguồn nước thải sau khi xử lý đã được “gột rửa” hoàn toàn. Minh chứng rõ ràng là những đàn cá thoải mái tung tăng bơi lội kiếm thức ăn ngay trong khu vực hồ ổn định (hồ chứa nước thải sau xử lý).
Ông Ngô Thành Mua, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác xử lý các loại chất thải, đặc biệt là nước thải là một trong những hướng đi mới giúp duy trì và cải thiện chất lượng môi trường. Ông Mua đề nghị Xí nghiệp nước thải Thủ Dầu Một nói riêng và Biwase nói chung tiếp tục có phương án nâng cấp, mở rộng ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải và hướng tới mục tiêu 100% địa bàn được tiếp cận với dịch vụ này.
Đồng quan điểm với ông Ngô Thành Mua, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng tán thành chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải bằng các công nghệ uy tín. Theo ông Long, sự phát triển của khoa học, công nghệ là không có giới hạn và không ngừng nghỉ, do đó phía Biwase cũng cần có phương án, lộ trình nâng cấp, mở rộng quy mô xử lý nước thải phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và lượng nước thải thực tế của địa phương.
ĐÌNH THẮNG