Khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây ăn trái có múi theo hướng tập trung

Cập nhật: 25-06-2022 | 10:21:04

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xác định cây ăn trái có múi là cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững.

Hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái có múi trong tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Theo thống kê, toàn tỉnh có tổng diện tích cây có múi đạt trên 3.800ha, chiếm trên 53% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Nhiều diện tích trồng cây có múi cho thu nhập cao từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/ năm. Tính đến nay, số cơ sở sản xuất cây có múi đạt chứng nhận VietGAP khoảng 250ha, chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Tân Uyên với 180ha. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng như: “Bưởi Bạch Đằng”, “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, “Quýt Bắc Tân Uyên”.

 Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái có múi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện. Trong ảnh: Mô hình trồng cam VietGAP ở Hợp tác xã Nông nghiệp Nhân Đức (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) cho hiệu quả kinh tế cao

Trang trại cam VietGAP của ông Lâm Thành Thương (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) với diện tích 120ha chuyên trồng cam, quýt, cho sản lượng bình quân từ 30 - 40 tấn/ha. Doanh thu bình quân hàng năm đạt 20 tỷ đồng. Ông Thương chia sẻ: “Để chủ động ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác, ông đã mạnh dạn áp dụng biện pháp “làm trái” theo ý muốn trên cây cam. Đó là bằng phương pháp “đậy nylon bạt” phủ toàn bộ nền luống, “cắt nước tưới”, cắt một phần bộ rễ cây, kết hợp với lân và kali sẽ kích thích phát triển đỉnh sinh trưởng mới để cây tạo hoa và kết trái. Theo ông Thương, sau khi đậu trái kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ hợp lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, bảo đảm thời gian cách ly, cho chất lượng trái cam tốt nhất có thể. Trang trại đang nghiên cứu khảo nghiệm máy đo độ ngọt của trái, nếu thành công đưa vào ứng dụng, giúp cho sản phẩm có được chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm vùng miền khác”.

Ông Lâm Thành Thanh ở ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên sở hữu vườn cam rộng gần 20ha, cho biết tất cả hệ thống tưới tiêu đều ứng dụng công nghệ tự động, vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cây, vừa tiết kiệm công lao động. Trung bình, vườn cam có năng suất hơn 50 tấn/ha/năm, sau khi trừ các chi phí, thu lãi 500 triệu đồng/ha.

Giải pháp phát triển bền vững

Cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân phát triển vùng cây ăn trái có múi. Thông qua các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững, đã góp phần giúp nông dân đầu tư, thâm canh mở rộng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, sự tăng trưởng còn manh mún, cần có chiến lược hợp lý để phát triển nguồn cây ăn trái này một cách bền vững. Nguyên nhân là do người dân chưa tập trung đầu tư, thâm canh và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nên chất lượng chưa đồng đều.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, để phát triển bền vững cây ăn trái có múi theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn trái có múi phù hợp, hiệu quả cho từng vùng, đặc biệt, ưu tiên phát triển các loại, giống cây có múi đặc sản, có nhãn hiệu, có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, tăng cường việc sản xuất cây có múi theo chuỗi có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho sản phẩm trái cây có múi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Mặt khác, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn người trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng sản xuất cây có múi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm nâng cao giá trị, sản lượng, chất lượng cây ăn trái có múi, thời gian qua các địa phương đã khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Tưới tiết kiệm nước, tưới nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới; sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống được nhiều nhà vườn quan tâm áp dụng làm tăng năng suất, chất lượng quả và tăng lợi nhuận…

THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên