Khuyên tai Đông La Mã và đồng xu theo phong cách Hồi giáo trong kho báu ở thị trấn Đức hé lộ quan hệ giao thương của người Viking.
Mặt trước của một chiếc khuyên tai vàng trong kho báu 800 năm.
Một thợ dò kim loại tập sự ở miền bắc nước Đức gần đây phát hiện một kho báu đồ trang sức bằng vàng 800 năm tuổi và tiền xu bạc hé lộ quan hệ mậu dịch trong khu vực, Live Science hôm 1/3 đưa tin. Kho báu chứa hai đôi khuyên tai vàng chất lượng rất cao nạm nhiều đá bán quý, một chiếc ghim cài áo giả tiền xu mạ vàng, hai chiếc nhẫn mạ vàng đính đá, một chiếc ghim dạng khuyên và 30 đồng xu bạc, theo Ulf Ickerodt, giám đốc Cơ quan khảo cổ Schleswig-Holstein (ALSH).
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ nghiệp dư và chuyên nghiệp đã làm việc cùng nhau để nghiên cứu vùng Schleswig-Holstein, và di sản UNESCO Haithabu. Khu vực này là thị trấn Bắc Âu lớn thứ hai và rất quan trọng đối với người Viking từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11. Haithabu bị phá hủy và bỏ hoang vào khoảng năm 1066, kết thúc thời kỳ Viking trong vùng.
Những thợ dò kim loại bắt gặp kho báu trên một mảnh đất từng được nghiên cứu kỹ. Họ thông báo phát hiện cho ALSH. Sau đó, một nhóm nhà khảo cổ khai quật khu vực và tìm thấy các đồ vật bằng vàng bạc cũng như mảnh vải dùng để bảo quản chúng, trong đó giá trị nhất là bộ khuyên tai. Chúng có niên đại vào khoảng năm 1100 và chế tác bởi thợ kim hoàn Đông La Mã. 30 đồng xu bạc đúc dưới thời trị vì của vua Đan Mạch Valdemar II, chứng tỏ kho báu bị chôn vào sau năm 1234.
Kho báu gồm đồng xu Đan Mạch và trang sức phía tây Địa Trung Hải đặc biệt thú vị và hé lộ tính chất đa văn hóa của khu vực. Những kho báu như vậy rất hiếm gặp ở Schleswig-Holstein. Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ các cổ vật là tài sản cá nhân hay trộm cắp, hoặc chúng có được chôn trong nghi thức hay không.
Theo VNE