Kiểm soát chặt dòng tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao

Thứ ba, ngày 11/05/2021

(BDO) Dòng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng khá trong những tháng đầu năm 2021. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh Bình Dương đang định hướng chỉ tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ vốn vay đầu tư các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

 Các ngân hàng thương mại đang thận trọng hơn khi cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Trong ảnh: Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại BIDV - chi nhánh Bình Dương

 Kiểm soát chặt dòng tiền đầu cơ bất động sản

Tại Ngân hàng TMCP Vietcombank-chi nhánh Bình Dương, nhân viên tín dụng tư vấn cho chúng tôi các thủ tục vay mua nhà ở có thế chấp, lãi suất cho vay ưu đãi của các chương trình. Trong đó, chương trình vay 72 tháng, lãi suất cố định trong 12 tháng sàn năm đầu tiên là 7,3%/ năm và lãi suất cố định 24 tháng là 8,4%/ năm. Trả lời về việc lãi vay có xu hướng tăng, nhân viên ngân hàng này cho biết lãi suất vừa được điều chỉnh tăng nhẹ do ngân hàng kiểm soát chặt cho vay trong tình hình dịch bệnh và lĩnh vực đất động sản tăng nóng… “Không chỉ tăng lãi suất, hệ thống Vietcombank còn tăng cường thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ, đúng yêu cầu và quy định, trước khi đệ trình lên ban giám đốc giải ngân…”, nhân viên tín dụng này cho hay.

Bên cạnh tăng lãi suất, một số ngân hàng thương mại còn đưa ra quy định khá nghiêm ngặt đối với cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS). Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - chi nhánh Bình Dương, cho biết BIDV không có chủ trương đẩy mạnh cho vay lĩnh vực BĐS. Tỷ lệ cho vay lĩnh vực này của BIDV Bình Dương hiện nay chỉ chiếm hơn 2% trên tổng dư nợ. Khách hàng vay mua nhà ở, mua căn nhà đầu tiên hoặc thứ hai, có nguồn thu nhập trả nợ là tiền lương, tiền công là đối tượng chính. “Chúng tôi gần như không giải quyết cho cá nhân, doanh nghiệp vay đầu cơ, vay mua gom các tầng chung cư...”, ông Trần Ngọc Linh cho biết.

Tương tự, bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP HDBank - chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện nay ở nhiều nơi dòng tiền đổ vào BĐS tương đối lớn và có dấu hiệu “sốt”. Nếu dòng tiền đổ vào BĐS với mục đích như mua nhà để ở, mua đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh... thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng thật sự cho BĐS. Còn ngược lại dòng tiền đổ vào BĐS nhưng không tạo ra giá trị gia tăng mà chỉ nhằm mục đích đầu cơ, “thổi giá” do qua tay nhiều người sẽ gây hiệu ứng bất lợi cho thị trường và người có nhu cầu về nhà ở thật sự. “Do đó, chúng tôi rất thận trọng trong việc quản lý, thẩm định, xem xét giải ngân đối với khách hàng thực sự có nhu cầu mua BĐS để sử dụng. Còn các giao dịch mua, bán BĐS mang tính chất đầu cơ (dưới 1 năm) đang được kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống công chứng, từ đó có giải pháp ứng xử kinh doanh phù hợp”, bà Lại Thị Bích Thủy cho biết.

Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh

Trong thời gian qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng Bình Dương vẫn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước, đồng thời cũng là tỉnh đứng hàng đầu về thu hút đầu tư. Đó là những nguyên nhân hấp dẫn các nhà đầu tư trong và nước ngoài tập trung vào lĩnh vực BĐS tại Bình Dương, trong đó, bao gồm có BĐS công nghiệp và dân dụng. Chính vì vậy, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS trong quý I trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, trong tổng dư nợ 233.404 tỷ đồng, có khoảng 69.185 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS và đang có xu hướng tăng trong thời gian sắp tới. Đánh giá về tình hình này, ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, cho biết tín dụng là vấn đề luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như BĐS, chứng khoán, thời gian qua NHNN Việt Nam đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn, cho vay trung hạn và dài hạn, áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay…

Kết quả cho thấy cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên. Trong quý I-2021, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn tỉnh đạt 233.404 tỷ đồng, tăng 14% với năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước đạt 73.277 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu ước đạt 15.508 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 31.186 tỷ đồng, cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 5.304 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 638 tỷ đồng. Với số dư nợ như trên, các chương trình tín dụng theo định hướng của Chính phủ, ngành chiếm tỷ trọng 54% trên tổng dư nợ toàn tỉnh. Ngoài ra, đối với các lĩnh vực cho vay phi sản xuất như tiêu dùng (mua nhà ở, ô tô…) đạt khoảng 17.904 tỷ đồng, chiếm 7,7% trên tổng dư nợ. Hiện dư nợ đối với lĩnh vực này đang có xu hướng chựng lại, một phần nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua khiến xu hướng vay mua sắm, tiêu dùng giảm.

Theo đánh giá của ông Võ Đình Phong, hiện nay hoạt động tín dụng trên địa bàn đang theo chiều hướng tăng trưởng ổn định, đúng định hướng. Tuy vậy, NHNN Việt Nam - chi nhánh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ những định hướng của NHNN và Chính phủ trong việc đưa dòng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên; đồng thời lưu ý các ngân hàng thận trọng khi cho vay ở những lĩnh vực rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng an toàn trong toàn hệ thống.

 THANH HỒNG