Kiểm soát chuyển giá tại doanh nghiệp FDI: Bài toán nan giải!

Cập nhật: 15-04-2011 | 00:00:00

Nhìn nhận về hiện tượng chuyển giá tại các doanh nghiệp (DN) FDI thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, ở góc độ vĩ mô, chuyển giá có thể gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách quốc gia và ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa nội địa. Còn xét ở cấp độ vi mô, thủ đoạn này sẽ tạo ra bất công trong cạnh tranh giữa DN FDI với DN nội địa... Tuy nhiên, việc kiểm soát chuyển giá của DN FDI hiện nay vẫn còn là một bài toán nan giải...

Diễn biến phức tạp

Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra 90 DN khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, trong đó có nhiều DN tư nhân và DN FDI có quy mô lớn, cho thấy đại đa số DN đều bị lỗ với số lỗ rất lớn từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng kéo dài trong suốt 3 năm 2007- 2009. Tại TP.HCM, kết quả kiểm tra 21 DN cho thấy chỉ có 3 đơn vị có lãi, số còn lại đều lỗ, trong đó có 3 DN lỗ từ 150 - 179 tỷ đồng. Tại Đồng Nai và Bình Dương, 25 DN được kiểm tra đều thua lỗ và các DN FDI thua lỗ lớn nhất. Thậm chí, có DN FDI trong 3 năm 2007-2009 lỗ lên tới gần 600 tỷ đồng. Còn trong năm 2010, Bộ Tài chính kiểm tra 4.000 DN FDI thì hầu hết báo lỗ với tổng số lỗ lên tới 3.500 tỷ đồng. Qua xác minh, phát hiện không ít DN lỗ giả, lời thật do có hành vi chuyển giá về nước qua công ty mẹ.

 

Sản xuất giày xuất khẩu tại một doanh nghiệp FDI (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Võ Long Hải, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Thuế Bình Dương cho rằng, xử lý hiện tượng chuyển giá của các DN FDI hiện nay rất khó: “...Thông tư 66 của Tổng cục Thuế có phần quy định về các giao dịch liên kết. Việc kiểm tra ngăn ngừa xử lý hiện tượng chuyển giá phải ở phạm vi quy mô lớn mới có thể đối chiếu được DN có chuyển giá hay không. Muốn có cơ sở để thẩm định giá trong giao dịch liên kết thì phải có mức giá để so sánh. Giá được đem ra so sánh là mức giá độc lập, chuẩn. Muốn có được mức giá chuẩn để xác định thì phải có nhiều nguồn vì thế phải xem xét trên quy mô cả nước thì mới làm được...”. Cũng theo ông Hải, trong phạm vi của tỉnh, khi xác định một DN có chuyển giá hay không thông qua giá một mặt hàng, rất khó để xác định. Do đó, xác định việc chuyển giá của DN FDI vẫn là một bài toán nan giải.

Vừa qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số vụ việc chuyển giá của DN FDI ở Lâm Đồng đối với mặt hàng chè. Tuy nhiên, theo ông Hải, đối với mặt hàng chè thì dễ kiểm soát vì có cơ sở là lấy giá bán chè để so sánh. Trong khi đó ở Bình Dương, các DN FDI sản xuất các mặt hàng công nghiệp, có thể chỉ là một mặt hàng duy nhất trên địa bàn Bình Dương thôi, không biết lấy giá nào để so sánh. Mặt khác, các DN FDI của tỉnh cũng làm gia công xuất khẩu nhiều như da giày, dệt may... Như vậy cũng rất khó để so sánh, đối chiếu giá thành của các sản phẩm gia công.

Cần khoanh vùng đối tượng

Để kiểm soát hiện tượng chuyển giá tại các DN FDI, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng, cơ quan thuế cần phải thường xuyên thống kê tình hình báo cáo quyết toán thuế nhiều năm liền của các DN FDI, qua đó phân tích những DN khai báo kinh doanh hiệu quả, nộp thuế tốt và lưu ý những DN khai báo lỗ. Trong nhóm DN báo lỗ, cần phân tích xem lỗ có phải do yếu tố khách quan hay không. Các DN lỗ do yếu tố khách quan thường là những DN mới đầu tư, chi phí nhiều nhưng hiệu quả kinh doanh chưa có, việc báo lỗ là có thể chấp nhận được. Còn những DN báo lỗ không bình thường là các DN mà quy mô sản xuất ngày càng tăng, doanh số phát triển, mạng lưới phát triển, nhân công lao động phát triển nhưng lỗ thì kéo dài. Những DN này cần phải được đặt ra những nghi vấn. Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP.HCM đem ra so sánh các DN này với các DN cùng ngành nghề khác ở cùng một thời điểm. Ví dụ, cùng sản xuất một mặt hàng da giày, cùng một thị trường, qua đó xem xét so sánh, nếu một bên có lãi, một bên báo lỗ liên tục trong khi vẫn mở rộng quy mô sản xuất... thì rõ ràng là họ đã thực hiện chuyển giá nhằm trốn thuế.

Ông Võ Long Hải cũng cho biết, hiện nay ngành thuế cũng đã chỉ đạo xem xét, khoanh vùng đối tượng các DN FDI báo lỗ kéo dài để xác định xem DN có chuyển giá hay không. Tuy nhiên, để xác định được hiện tượng này thì phải có cơ sở vững chắc. “...Nếu công nghệ thông tin của ngành thuế phát triển đúng mức, có thể thành lập một trung tâm dữ liệu, qua đó, tất cả các dữ liệu thống kê được tập trung về đây thì sẽ có cơ sở để so sánh, xác định giá chuẩn, qua đó xác định có chuyển giá hay không...”, ông Hải khẳng định và cho biết, hiện nay cơ quan thuế chỉ có một số phần mềm ứng dụng như phân tích rủi ro, đánh giá rủi ro, qua đó mà lựa chọn các DN để tiến hành thanh tra, kiểm tra mà thôi.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan khuyến nghị, để kiểm soát vấn đề lỗ giả lãi thật, xử lý hiện tượng chuyển giá nhằm trốn thuế của các DN FDI, Việt Nam cần gấp rút xây dựng một hệ thống theo dõi giá cả thị trường thế giới. Cơ quan cụ thể ở đây là ngành thuế cần kiểm tra những báo cáo tài chính, kiểm toán chặt chẽ hơn. Những số liệu của các báo cáo cần được so sánh đối chiếu, căn cứ trên giá thực tế ở những thị trường nhập khẩu, những quốc gia có đặt trụ sở của công ty mẹ. Xác minh những số liệu này là không quá khó để các cơ quan kiểm tra có cơ sở bác bỏ những thông tin và báo cáo sai sự thật của các DN FDI.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên