Kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm

Cập nhật: 09-08-2024 | 07:12:04

Để đảm bảo nhu cầu thực phẩm cuối năm thì người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn bắt đầu phải có kế hoạch tăng đàn.


Ông Phan Văn Đởm, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang phun hóa chất tiêu độc khử trùng lối vào chuồng nuôi lợn của gia đình

Tuy nhiên, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn phát sinh ở nhiều địa phương, chăn nuôi đòi hỏi phải an toàn cùng các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 6/8, cả nước có 306 ổ dịch thuộc 99 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 32.232 con, số lợn chết và tiêu hủy là 32.374 con. Địa phương có số lợn bị chết, tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi lớn như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Ngãi…

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, ngoài các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt như: Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thường xuyên, liên tục có cảnh báo, chỉ đạo và yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.

Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành liên tiếp các văn bản gửi các địa phương: tỉnh Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã chủ động vào phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi vào đầu tháng Bảy ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã kiểm soát, khống chế không để mầm bệnh lây lan diện rộng. Các biện pháp phòng bệnh từ sớm được triển khai tăng cường tại các địa phương. Nhờ đó, đến nay, dịch bệnh đã qua 20 ngày, mầm bệnh được khống chế tốt, không lây lan diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết: Trước tình hình dịch bệnh xảy ra ở nhiều tình thành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập gần 40 đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế, chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Nguyễn Văn Long, qua kiểm tra cho thấy có trách nhiệm rất lớn của chính quyền các cấp còn rất chủ quan, lơ là, nhất là người đứng đầu chính quyền khi không kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Nhiều địa phương còn tình trạng không hoặc chậm bố trí kinh phí triển khai phòng chống dịch bệnh, đùn đẩy giữa các cấp, tỉnh đẩy cho huyện, huyện đẩy cho xã trong khi xã thì không có nguồn lực. Tình trạng không hoặc chậm công bố dịch bệnh, điển hình như Bắc Kạn, Lạng Sơn…; không tổ chức kiểm soát vận chuyện lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch, dẫn đến tình trạng bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh làm dịch bệnh lây lanh nhanh, ở phạm vi rộng. Đặc biệt không hoặc chậm chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine...

Theo ông Nguyễn Văn Long, mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi nhưng nhiều địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn lợn thịt. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ việc rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trên cơ sở đó phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vaccine tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn trước nguy cơ bệnh dịch tái phát thì biện pháp tiêm phòng là rất quan trọng. Tuy nhiên, giá vaccine phòng bệnh dịch tả châu Phi cao, đàn lợn phải được xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước khi tiêm nên rất tốn kém cho người chăn nuôi. Do đó, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 15% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 244.000 con.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, vaccine dịch tả lợn châu Phi đã khẳng định đảm bảo mức độ bảo hộ trên 93%. Qua kiểm tra thực tế vừa qua tại Hòa Bình trên 3 trại lợn trên cùng mảnh đất; trong đó có 2 trại được tiêm phòng đã được bảo hộ tốt với dịch bệnh xảy ra. Thời gian qua có một số địa phương ở phía Bắc như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh... bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân là do việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi rất hạn chế. Do vậy, các địa phương cần tăng cường truyền thông đến người dân về hiệu quả của vaccine để bảo vệ đàn heo.

Về nguồn cung cho thực phẩm cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 7 tháng qua, sản lượng thịt các loại đạt 4,8 triệu tấn, tăng lên 3%; trên 20 tỷ quả trứng; sữa 1,3 triệu tấn. Riêng đàn lợn với gần 30 triệu con, tăng 2,9%.

Tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi lợn từ nay đến cuối năm để làm sao đảm bảo nguồn cung cũng như phục vụ xuất khẩu. Với việc chuẩn bị từ bây giờ thì nguồn thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng hoàn toàn đảm bảo, đáp ứng được nguồn cung trước, trong và sau Tết.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=281
Quay lên trên