Kiểm soát gia tăng bệnh truyền nhiễm đường hô hấp

Thứ sáu, ngày 10/01/2025

Hiện đang thời tiết hanh khô, se lạnh vào sáng sớm và buổi tối, làm gia tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Để ngăn chặn đà gia tăng ca bệnh có khả năng bùng phát tại cộng đồng, ngành y tế tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Trẻ nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Gia tăng ca bệnh

Khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn sẽ tạo thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển mạnh; đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, như: Cúm, viêm phổi, sốt phát ban, nhiễm trùng hô hấp, sởi, viêm da dị ứng. Tại một số bệnh viện, tỷ lệ trẻ em, người già, người có bệnh nền nhập viện điều trị biến chứng do bệnh hô hấp cũng đang tăng cao.

Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, số lượng người đến khám và nhập viện do các bệnh lý hô hấp tuy không nhiều bằng thời điểm này của những năm trước nhưng vẫn ở mức cao. Hầu hết bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi vi-rút, cúm A, nhiễm vi-rút RSV (vi-rút hợp bào hô hấp), sởi, thủy đậu, tiêu chảy cấp ở người già và trẻ em.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gần đây số ca mắc viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, vi-rút như cúm nhập viện tăng cao. Nhiều bệnh nhi có diễn tiến ban đầu là nhiễm siêu vi, cảm, sốt thông thường nhưng bội nhiễm thêm các loại vi-rút, vi khuẩn khác gây nhiễm trùng, viêm phổi, phải nhập viện, thậm chí thở oxy. Việc gia tăng số ca bệnh hô hấp trong thời điểm hiện nay không phải là một “đợt bệnh hô hấp mới” mà là một đợt gia tăng do các tác nhân thông thường, xảy ra hàng năm.

Bé N.Đ.N., 9 tháng tuổi, nhập viện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao li bì, thở khò khè, có biểu hiện suy hô hấp. Người nhà bé cho biết 3 ngày trước khi nhập viện bé bị sổ mũi, sốt 38.5 độ C, bỏ bú, test RSV tại một cơ sở y tế khác âm tính nên được hướng dẫn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, do sức khỏe của bé N. xấu, sốt cao 40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi xét nghiệm, chụp X-quang phổi, bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản phổi do nhiễm vi-rút RSV, biến chứng suy hô hấp. Bé được thở oxy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng và phục hồi chức năng hô hấp. Hiện tình trạng của bé N. đã ổn định, chờ ngày xuất viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời tiết hanh khô, se lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp gia tăng. Nguyên nhân do độ ẩm trong không khí giảm thấp khiến sức đề kháng cơ thể kém, niêm mạc trên đường hô hấp dễ bị khô, bong tróc, tạo điều kiện cho vi-rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Bệnh lý hô hấp theo mùa thường ít gây nguy hiểm, nhưng với người cao tuổi, trẻ nhỏ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Bác sĩ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Biện pháp phòng tránh

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết đơn vị đang đẩy mạnh giám sát dịch bệnh cuối năm như bệnh lây truyền qua đường hô hấp, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi-rút. Bên cạnh giám sát thường xuyên, trung tâm còn dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng hoặc tại các cơ sở y tế. Đơn vị cũng chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh lấy mẫu, xét nghiệm tác nhân gây bệnh, đánh giá nguy cơ và đề xuất, triển khai các biện pháp kịp thời. Cùng với công tác giám sát, trung tâm cũng tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, phối hợp với các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ truyền thông học đường, phòng chống bệnh truyền nhiễm dịp cuối năm.

Bác sĩ CKII Trần Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An, cho biết trung tâm tích cực phân luồng khám, sàng lọc bệnh, bảo đảm thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị người bệnh. Để không bị lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, trong quá trình khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ lưu tâm các trường hợp có nguy cơ cao, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...

Để chủ động phát hiện ca bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, Trung tâm Y tế TP.Bến Cát phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố bảo đảm công tác y tế, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại cơ sở giáo dục - đào tạo. Địa phương chú trọng phòng dịch ở trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Theo bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, phòng chống các bệnh lý về đường hô hấp, việc giữ ấm cơ thể và uống đủ nước rất quan trọng (tốt nhất là nước ấm). Người già và trẻ em nên hạn chế ra ngoài vào ban đêm và sáng sớm vì lúc này trời lạnh hơn, dễ bị bệnh hơn.

KIM HÀ