Kiểm soát ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng môi trường

Cập nhật: 02-11-2023 | 08:43:10

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó ô nhiễm không khí đã và đang là thách thức lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Trước thực trạng trên, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những biện pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí gắn với yêu cầu phát triển bền vững.

 Phát triển cây xanh đô thị là một trong những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trong ảnh: Khu vực Trung tâm Hành chính huyện Bắc Tân Uyên cây xanh phát triển mạnh, môi trường trong lành

Những mô hình thiết thực

Đối với khu vực đô thị, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày lớn gây áp lực cho việc thu gom, xử lý. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở, doanh nghiệp còn thấp, chạy theo lợi nhuận kinh tế, chưa chú trọng đến vận hành hệ thống xử lý chất thải... là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Những năm qua, một số địa phương đã triển khai thực hiện chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm tái sử dụng nguồn nguyên liệu, giảm thiểu tối đa lượng rác thải. Cuối năm 2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Tân Uyên đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Uyên Hưng. Tại TP.Dĩ An, từ năm 2018 đã triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại trung tâm hành chính, khu dân cư Biconsi (phường Tân Bình), khu nhà ở Đường Sắt 1 (phường Dĩ An). Tại TX.Bến Cát, thực hiện thí điểm tại 3 ấp An Thuận, Phú Thuận, Bến Giảng thuộc xã Phú An, khu phố 2 phường Mỹ Phước, khu phố 6 phường Thới Hòa.

Theo Phòng TN&MT các địa phương, thông qua việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình đã nâng cao nhận thức, thói quen phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng dân cư. Chị Lê Thị Hương, người dân sinh sống tại đường số 2, khu nhà ở Đường Sắt 1, phường Dĩ An (TP.Dĩ An), cho biết: “Từ khi được phổ biến, tuyên truyền về chương trình phân loại rác thải tại nguồn, các thành viên trong gia đình đã hình thành thói quen phân loại, đổ rác đúng quy định, góp phần bảo đảm vệ sinh chung, bảo vệ môi trường”.

Để chương trình phân loại rác thải tại nguồn được nhân rộng, năm 2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Trao đổi về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn giai đoạn 2023-2024, ông Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết: “Sau khi triển khai thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại xã Phú An, dự kiến đến cuối năm 2024 tất cả các xã, phường trên địa bàn sẽ thực hiện. Từ đó sẽ từng bước thay đổi thói quen, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm các áp lực về rác thải lên môi trường”.

Tăng cường giải pháp

Cùng với tốc độ phát triển của đô thị là việc gia tăng các phương tiện tham gia giao thông, các công trình xây dựng… làm gia tăng ô nhiễm không khí. Bên cạnh những biện pháp trực tiếp nhằm kiểm soát được chất lượng nhiên liệu, khí thải từ giao thông, bụi, tiếng ồn từ các công trình xây dựng, việc đẩy mạnh bảo vệ, trồng cây xanh đã góp phần không nhỏ trong việc điều hòa, thanh lọc môi trường không khí.

Có dịp về các địa phương trên địa bàn tỉnh dễ dàng nhận thấy hệ thống cây xanh, công viên, tiểu cảnh tại các khu vực đô thị ngày càng đồng bộ, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương sẽ tổ chức trồng, quản lý cây xanh bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Yêm, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, TP.Dĩ An, chia sẻ: “Để góp phần tạo mảng xanh đô thị cho thành phố, phường Tân Bình thực hiện trồng cây xanh, trồng hoa tại các khu đất công, khu nghĩa địa, hành lang đường, suối… qua đó làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, đi dọc theo tuyến đường chính vào khu vực trung tâm hành chính, hay tại khu vực đô thị Tân Thành, Tân Bình cảnh quan ngày càng sạch đẹp, số lượng cây xanh đường phố ngày càng tăng. Chị Nguyễn Thùy Linh, người dân buôn bán trên tuyến đường ĐH.411, chia sẻ: “Cây xanh được xem như lá phổi tại các khu vực đô thị. Đặc biệt tại các tuyến đường chính có nhiều phương tiện giao thông qua lại việc trồng thêm các cây xanh góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường không khí. Người dân sinh sống, buôn bán trên tuyến đường cũng cảm nhận được môi trường trong lành, dễ chịu”.

 Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, kiểm soát ô nhiễm không khí, tỉnh chú trọng đầu tư lắp đặt thêm các trạm quan trắc tự động không khí; kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, nhất là trong các khu vực đô thị; cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông nhằm giảm ùn tắc, giảm phát thải khí nhà kính; điều tra, lập danh sách và kiểm soát chặt chẽ các nguồn khí thải công nghiệp lớn như nhiệt điện, thép, hóa chất, thiêu đốt chất thải... Song song đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng, mở rộng diện tích công viên, cây xanh…

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=952
Quay lên trên