Kiểm tra, giám sát chặt nhiều mặt hàng dịp cuối năm

Cập nhật: 06-11-2012 | 00:00:00

Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

 Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường. Đồng thời, căn cứ thẩm quyền và điều kiện thực tế, khả năng tài chính của địa phương để tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá tại địa phương.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá. Đặc biệt, đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi....

Cũng theo Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu bia, đường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu.

Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc khác, các Giám đốc Sở Tài chính cần phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban ngành liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…

Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế tại địa phương; việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét cho ý kiến trước khi thực hiện.

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=223
Quay lên trên