Nhằm hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể (BATT), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được hoạt động. Qua công tác nghiệp vụ, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm với các lỗi “lặp đi lặp lại”, như: Nơi chế biến có côn trùng gây hại, xâm nhập; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín…
Nhiều cơ sở không bảo đảm an toàn
Nằm trong kế hoạch, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Paihong Việt Nam (huyện Bàu Bàng) về việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP BATT. BATT của Công ty Paihong do Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Khởi Đức hợp đồng tổ chức nấu ăn. Qua kiểm tra, Công ty Khởi Đức không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP, vi phạm 4 lỗi, gồm: Nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; thực hiện không đúng chế độ kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn không đúng quy định và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hiệu lực. Với các lỗi vi phạm này, công ty đã bị phạt 45 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra đột xuất các địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Dương Minh Khang và Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Hòa Phát Food (TP.Dĩ An). Tất cả các doanh nghiệp (DN) kiểm tra đột xuất đều không đạt các điều kiện an toàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành test mẫu thực phẩm tại một công ty ở TP.Thuận An
Cùng với kế hoạch kiểm tra đột xuất, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng tiến hành kiểm tra định kỳ. Trong số các công ty được kiểm tra, nhiều BATT tại TP.Thuận An tổ chức bữa ăn cho người lao động không bảo đảm các điều kiện an toàn. Cụ thể, Công ty TNHH Suất ăn công nghiệp Hoàng Duy (TP.Thuận An) bị phạt với số tiền 20 triệu đồng vì không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí gian bếp; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh. Công ty TNHH MTV Nghĩa Tâm (TP. Thuận An) không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo, nơi chế biến có côn trùng gây hại xâm nhập. Kiểm tra Công ty TNHH Cung cấp suất ăn công nghiệp Yến Anh (TP.Thuận An), đoàn kiểm tra xử lý vi phạm người chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Trần Pha Lil (TP.Thuận An) tuy có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng đã hết hạn.
Các lỗi vi phạm “lặp đi lặp lại”
Hiện nay, việc cung cấp bữa ăn cho người lao động tại các DN được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: Tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các DN tổ chức bếp ăn… Thời gian qua, Bình Dương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nhưng vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại BATT, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các địa phương đã tiến hành kiểm tra 8.347 cơ sở. Kết quả có 7.405 cơ sở đủ điều kiện ATTP và 942 cơ sở vi phạm. Trong tổng số 942 cơ sở vi phạm, có 106 cơ sở bị phạt tiền (tổng số tiền bị phạt hơn 787 triệu đồng) và nhắc nhở 775 cơ sở. |
Bà Phan Kim Sương, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết nhằm chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc tại BATT, chi cục chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP đối với BATT tại các cơ quan, đơn vị, trong đó bảo đảm các BATT tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, phân công, phân cấp quản lý, không để cơ sở không bảo đảm an toàn được hoạt động.
Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, qua kiểm tra, các cơ sở vi phạm các lỗi thường gặp, như: Nơi chế biến có côn trùng gây hại, xâm nhập; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước, cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín; không bảo đảm ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã chế biến; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh). Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng đã hết hạn.
“Nhằm chấn chỉnh những lỗi trên, chi cục tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh, kiểm tra liên ngành; đẩy mạnh công tác kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Quan điểm của ngành là kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người dân”, bà Phan Kim Sương, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết thêm.
KIM HÀ