Nhằm chủ động bảo đảm an ninh trật tự, Công an huyện Bàu Bàng đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm liên quan đến cho vay lãi nặng, nhất là vào dịp cuối năm.
Các đối tượng trong đường dây hoạt động “tín dụng đen” bị Công an huyện Bàu Bàng triệt xóa
Triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an (CA) huyện Bàu Bàng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Hữu Đăng (sinh năm 1998), Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1995, cùng quê Hà Nam); Nguyễn Văn Hải và Đỗ Văn Hảo (cùng sinh năm 1994, quê Hà Nội) để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (“tín dụng đen”). Trước đó, thông qua hoạt động nắm tình hình, CA huyện Bàu Bàng phát hiện một số đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng hoạt động trên không gian mạng, người vay là các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các khu chợ trên địa bàn huyện. Sau quá trình nắm tình hình, nhận thấy nhóm đối tượng hoạt động cho vay với lãi suất rất cao, hoạt động manh động, xem thường pháp luật. CA huyện Bàu Bàng đã báo cáo Ban Giám đốc CA tỉnh xác lập chuyên án để đấu tranh triệt xóa.
Qua điều tra, CA huyện Bàu Bàng xác định các đối tượng thuê chung cư cao cấp tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An sinh sống, phát tờ rơi và chạy quảng cáo trên mạng xã hội với lời mời hấp dẫn, như: Lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Sau khi xác minh tình hình tài chính của khách hàng, đối tượng sẽ giải ngân cho người vay bằng hình thức chuyển khoản và nhận tiền lãi bằng hình thức chuyển khoản. Các khoản vay thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng. Mỗi gói vay, khách hàng phải trả lãi và gốc trong vòng 30 ngày (ví dụ vay 30 triệu đồng, trả mỗi ngày 1,2 triệu đồng, trong vòng 30 ngày liên tiếp). Khi người vay chậm trả tiền lãi gốc, các đối tượng nhắn tin, gọi điện đe dọa, chụp hình ảnh nhà cửa người thân để gây áp lực trả tiền…
Với thủ đoạn trên, Trần Hữu Đăng đã cho nhiều người vay với lãi suất 730%/năm, thu lợi bất chính gần 127 triệu đồng. Trong khi đó, Nguyễn Đức Tài cho vay với lãi suất lên đến 892,22%/ năm thu lợi bất chính hơn 144 triệu đồng. Đỗ Văn Hảo cho vay với lãi suất 244%/năm, thu lợi bất chính hơn 110 triệu đồng. Còn Nguyễn Văn Hải cho vay với lãi suất từ 244-302%/năm, thu lợi bất chính gần 135 triệu đồng. Hiện vụ án đang được CA huyện Bàu Bàng tiếp tục điều tra mở rộng theo quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Dịp cuối năm, nhu cầu vay vốn tiêu dùng tăng cao kéo theo hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn biến tướng nhằm “giăng bẫy” người vay. Đại úy Trần Hoàng Đệ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp CA huyện Bàu Bàng, cho biết thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nổi lên một số thủ đoạn đáng chú ý. Cụ thể, đối tượng tăng cường dán quảng cáo, phát tờ rơi, chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng là tiểu thương, công nhân, con bạc nhỏ lẻ. Khi cho vay, đối tượng không yêu cầu khách hàng đưa giấy tờ tùy thân hay viết giấy nợ, mà chỉ đề nghị cung cấp địa chỉ nơi ở, hình ảnh nhạy cảm cá nhân, số điện thoại của người thân để phục vụ cho việc thu hồi nợ. Đáng chú ý, tội phạm “tín dụng đen” còn kết hợp phương thức truyền thống với công nghệ cao nhằm tiếp cận với nhiều “con mồi” và tăng khả năng thu hồi nợ để kiếm lợi bất chính. Lãi suất vay bị các đối tượng này lách luật bằng các khoản phí dịch vụ. Khi người vay cố tình không trả nợ, các đối tượng sử dụng số điện thoại “rác” gọi điện khủng bố nhằm buộc người vay phải trả nợ cho chúng dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ cho những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, các ngành chức năng huyện Bàu Bàng vừa tăng cường đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, vừa kết hợp tuyên truyền nhằm giúp người dân chủ động nhận biết các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng cho vay lãi nặng để biết cách phòng tránh. Theo Đại úy Trần Hoàng Đệ, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với tội phạm “tín dụng đen”. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm tới các tổ chức tài chính có uy tín và tìm hiểu rõ các khoản phí dịch vụ, cũng như lãi suất vay. Người dân tuyệt đối không vay mượn tiền của cá nhân, tổ chức khi chưa nắm rõ thông tin về khoản vay; không vay qua các ứng dụng trên các trang mạng khi chưa kiểm tra được uy tín của các trang này để tránh “sập bẫy”.
NGUYỄN HẬU