Kiến tạo cộng đồng thông minh, thu hút đầu tư thế hệ mới

Cập nhật: 05-12-2023 | 08:30:24

Nhân sự kiện Horasis châu Á 2023 diễn ra tại địa phương, tỉnh tổ chức phiên chuyên đề đặc biệt “Bình Dương - mô hình kiến tạo cộng đồng thông minh hướng đến sẵn sàng đầu tư”. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và công nghiệp 4.0, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Lấy con người làm cốt lõi

Tháng 10-2023, ICF chính thức vinh danh Bình Dương đạt danh hiệu Cộng đồng thông minh của năm - Top 1 ICF 2023. Gần đây nhất, Bình Dương đạt giải thưởng về Giải pháp quản lý, điều hành đô thị thông minh (IOC) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chứng nhận.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu, diễn giả, khách mời thực hiện nghi thức khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh nhân sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 tiếp tục được đăng cai lần thứ 4 tại tỉnh nhà, Bình Dương tổ chức phiên chuyên đề đặc biệt với mong muốn cùng những diễn giả chia sẻ thông tin hữu ích; câu chuyện về chiến lược phát triển TPTM Bình Dương, thúc đẩy ĐMST và công nghiệp 4.0… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng đến sẵn sàng thu hút nhà đầu tư thế hệ mới, thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Ông John Jung, Chủ tịch, Đồng sáng lập ICF: Tiêu chí đầu tiên mà nhà đầu tư đưa ra là họ có tin tưởng khi quyết định đầu tư vào địa phương đó hay không? Nơi đó có giúp họ kinh doanh bền vững hay không? Họ không chỉ nhìn vào vị trí địa lý, mà còn nhìn vào hệ sinh thái, chính sách của chính quyền địa phương, việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao… Bình Dương hoàn toàn cho nhà đầu tư thấy được điều này. Bình Dương đang trở thành một trong những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các KCN. Hiện có nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia.

Theo ông John Jung, Chủ tịch, Đồng sáng lập ICF, những thành tựu mà Bình Dương đạt được do có tầm nhìn rõ ràng, mục tiêu cụ thể. TPTM đã được lạm dụng rất nhiều trong thời gian qua, mọi người cho rằng chỉ cần áp dụng công nghệ vào các hoạt động đô thị. Nhưng kiến tạo cộng đồng thông minh mới là quan trọng, cộng đồng thông minh tập trung vào con người, lấy con người làm cốt lõi. Bình Dương đang đi đúng hướng. Việc tập trung cho ĐMST, chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, giáo dục, y tế… chính là định hướng cho sự phát triển cộng đồng thông minh, bền vững.

Bình Dương đã xây dựng TPTM và đạt được những kết quả bước đầu, tạo động lực để Bình Dương tự tin phát triển, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, công nghệ cao, ưu tiên phát triển giáo dục, y tế, quan tâm phát triển xã hội cộng đồng như tổ công nghệ cộng đồng, hệ thống công viên, cây xanh, kinh tế số… Tất cả nhằm phục vụ người dân, phục vụ lợi ích cộng đồng, xây dựng Bình Dương trở thành nơi đáng sống.

Thu hút đầu tư thông minh

Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương, ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam, chia sẻ Circo có mặt tại  Bình Dương đã 24 năm. “Chúng tôi vừa xây dựng nhà máy thứ 4 tại Bình Dương với diện tích 12.000m2. Thời gian qua, chúng tôi chuyển giao công nghệ từ Thụy Sĩ sang Việt Nam. Khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm, chúng tôi cũng bắt buộc phải tập trung cải thiện, đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ sản xuất”, ông Nguyễn Trọng Luật nói.

Các diễn giả góp ý, đề xuất giải pháp tại phiên chuyên đề đặc biệt: “Bình Dương - mô hình kiến tạo cộng đồng thông minh hướng đến sẵn sàng đầu tư”

Theo các diễn giả, việc chuyển đổi mô hình phát triển, từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang công nghiệp - đô thị - dịch vụ thông minh, sinh thái với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data,… giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất lao động nội tỉnh… Từ đó, tỉnh tiến tới phát triển các KCN - đô thị - dịch vụ gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST, các ngành dịch vụ, dịch vụ số, nhằm thu hút và tiến lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp. Đây được xem là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các KCN, là điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân toàn khu vực.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái… sẽ mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức. Các KCN thế hệ mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN thông minh, từng bước giúp Bình Dương có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên khoa học kỹ thuật, chuẩn bị sẵn sàng đón đầu các thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của công nghiệp 4.0.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên