Tiếp tục hành trình vươn tới tầm cao trong giai đoạn mới, Bình Dương đang kiến tạo một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bình Dương đang kiến tạo một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh. Trong ảnh: Một góc trung tâm đô thị TP.Thủ Dầu Một
Quy hoạch đồng bộ, kết nối
Những năm qua, Sở Xây dựng đã kịp thời tham mưu thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo của một số dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh.
Đến nay, cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp thân thiện với môi trường đan xen với khu đô thị cao cấp, những khu nhà ở xã hội phục vụ cho người có thu nhập thấp, các trung tâm thương mại - dịch vụ hiện đại. Cách thức quy hoạch hệ sinh thái công nghiệp - đô thị này tạo ra sự bình đẳng trong việc thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung của tỉnh đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ xã hoàn thành lập quy hoạch nông thôn mới đạt 100%, các khu chức năng, dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bình Dương đã đề ra các cơ chế, chính sách và định hướng đột phá, tập trung vào các yếu tố: Tái cấu trúc không gian đô thị; đột phá về hạ tầng giao thông; cải cách hành chính và môi trường đầu tư; chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu quốc tế. |
Một trong những điểm nhấn then chốt trong phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và đô thị của Bình Dương là việc quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gần 4.200 ha. Trong đó thành phố mới Bình Dương và Trung tâm Hành chính của tỉnh là hạt nhân của Vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của đô thị thông minh Bình Dương. Bên cạnh đó, Bình Dương thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu vực của đô thị cũ theo quy hoạch đã góp phần cải thiện diện mạo đô thị của tỉnh, có sự kết nối với đô thị mới về hệ thống hạ tầng xã hội lẫn hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ, cụ thể như các tuyến giao thông vận tải hành khách công cộng…, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến nay, theo phân loại đơn vị hành chính, tỉnh Bình Dương có 5 thành phố, gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và 4 huyện, gồm: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Theo phân loại đô thị, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 1 đô thị loại II (TP.Dĩ An), 3 đô thị loại III (TP.Thuận An, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng (Dầu Tiếng), Phước Vĩnh (Phú Giáo), Lai Uyên (Bàu Bàng), Tân Thành, Tân Bình (Bắc Tân Uyên)). Đến nay, tỷ lệ đô thị của Bình Dương đạt 85%.
Phát triển đô thị xanh, thông minh
Ông Nguyễn Ngọc Văn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đặt ra mục tiêu phát triển Bình Dương trên nền tảng phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững; lấy con người làm động lực phát triển trên nền tảng phát triển khoa học - công nghệ, phát triển tri thức. Bên cạnh đó, tỉnh chọn phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để bảo đảm kết nối các đô thị của Bình Dương.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố mới Bình Dương phát triển trở thành hạt nhân của Vùng Đổi mới sáng tạo. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Quy hoạch tỉnh xác định rõ 3 khu vực động lực để phát triển: Khu vực 1 (gồm TP.Thuận An và TP.Dĩ An) thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía bắc của tỉnh; sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao. Khu vực 2 (gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và huyện Bàu Bàng) phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh. Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng) hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái; bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính…; tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Quy hoạch tỉnh có một số điểm mới và khác biệt so với các giai đoạn trước. Một trong những nét nổi bật của Quy hoạch tỉnh là Bình Dương hướng đến xây dựng đô thị thông minh, xanh và bền vững, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo và môi trường sống thân thiện. Sự thay đổi này đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Văn cho biết thêm sau lễ công bố Quy hoạch tỉnh (ngày 25-9), Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm sự kết nối, thu hút các dự án có tính chất đột phá làm động lực cho sự phát triển đô thị. Từ đó tạo động lực mới để thu hút các nhà đầu tư lớn đến Bình Dương, góp phần sớm hiện thực hóa, hoàn thành mục tiêu Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG