Kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững

Cập nhật: 23-10-2023 | 08:32:16

(BDO) Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng cao, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, các vấn đề văn hóa xã hội không ngừng được quan tâm phát triển, quốc phòng - an ninh bảo đảm, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng được củng cố. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, giai đoạn mới cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi Bình Dương phải có sự chuyển đổi căn bản để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Kỳ 1: Hình mẫu của sự phát triển vượt bậc

Trong chặng đường đầy thử thách từ những ngày chia tách tỉnh cho đến sự bứt phá về tăng trưởng hiện nay, Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển vượt bậc, là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại của cả nước, gắn kết các tỉnh, thành của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đột phá kinh tế và đô thị

GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định sự phát triển của Bình Dương là một mô hình rất đặc biệt tại Việt Nam.

“Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu phát triển của Bình Dương đạt được trong thời gian qua. Đây là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, mô hình phát triển sáng tạo của Bình Dương được Hội đồng Lý luận Trung ương chọn lựa thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”. Tin tưởng, kỳ vọng mô hình này sẽ tiếp tục phát triển là một hình mẫu trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại của vùng và cả nước trong thời gian tới”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển vượt bậc, là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại của cả nước

Có thể khẳng định, qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị.

Từ một tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh.

Quy mô dân số tăng gần 5 lần; quy mô nền kinh tế tăng gấp 104 lần; thu ngân sách tăng gấp 75 lần và là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/ người/năm, được Trung ương đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.

Những thành tựu phát triển của tỉnh Bình Dương đạt được trong hơn 25 năm qua đã phản ánh mô hình phát triển hết sức sáng tạo “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” và cũng là mô hình độc đáo, hội đủ cách tiếp cận: “Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương”. Với cách làm sáng tạo, triệt để tận dụng “lợi thế đi sau”, Bình Dương đã chọn con đường “phát triển thông minh”, không ngừng tìm kiếm những cách làm mới để vươn lên, vượt lên và đạt được những kết quả nổi bật, từng bước ngang tầm với khu vực và thế giới.

(Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh dựa chủ yếu vào nông nghiệp, đến nay tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%.

Bình Dương đã bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước; riêng đầu tư nước ngoài, đến nay đạt trên 40 tỷ đô la Mỹ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, đạt tỷ lệ trên 84%.

Đặc biệt, nhiều năm liên tiếp gần đây, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh từ tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới; là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Điển hình trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Bình Dương vẫn đang là điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”.

Đặc biệt, Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI).

Mới đây, Tập đoàn Lego đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa carbon đầu tiên của họ với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ vào tỉnh cho thấy Bình Dương là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.

Trao đổi về kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển công nghiệp tại Bình Dương, TS Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, chia sẻ về câu chuyện thực tế Bình Dương xin phép Trung ương đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương hạn hẹp, nên đến năm 1997 vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào của Bộ Giao thông - Vận tải để nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13.

Trong khi đó, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa địa phương cùng với sự thôi thúc của các vận hội mới đã không cho phép tỉnh Bình Dương ngồi yên chờ đợi.

Hành động đầu tiên của tỉnh Bình Dương là đã vận động thuyết phục Bộ Giao thông - Vận tải và mạnh dạn xin phép Chính phủ cho tỉnh được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.

Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng cả bộ và Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh thực hiện.

“Việc xây dựng tuyến Quốc lộ 13 đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng, đổi mới kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng ngày một đi lên. Quốc lộ 13 trở thành trục xương sống của tỉnh, là điều kiện tiên quyết và đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành các khu công nghiệp VSIP, Mỹ Phước 1, 2, 3, Bàu Bàng… góp phần thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, qua đó làm thay đổi rõ rệt bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh”, TS Huỳnh Ngọc Đáng cho biết.

Sau hơn 1/4 thế kỷ xây dựng, Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển hết sức ấn tượng trên các mặt.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển giai đoạn mới cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi Bình Dương phải có sự chuyển đổi căn bản để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Bình Dương tiếp tục lắng nghe, ghi nhận những ý kiến tâm huyết với những góc nhìn đa chiều, những đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả… để Bình Dương vươn tới những triển vọng, tầm nhìn, chiến lược rộng hơn, xa hơn và kiến tạo động lực tăng trưởng mới, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

(Còn tiếp)

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3612
Quay lên trên