Kiến trúc cổ xưa lôi cuốn người xem “Tôi yêu Bình Dương”

Cập nhật: 07-10-2022 | 08:59:53

Sau khi tập 6 chương trình “Tôi yêu Bình Dương” phát trên truyền hình online của Báo Bình Dương, nhiều độc giả đã gửi những chia sẻ cảm nhận và mong muốn tìm hiểu rõ hơn về kiến trúc và lối sống của người Bình Dương xưa trong ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ gần 130 năm tuổi này.

Bên trong nhà cổ Trần Văn Hổ, các vật dụng, trang trí hoa văn và các câu liễn, đối được bài trí công phu phản ánh nếp sống sinh hoạt của người Bình Dương trước đây

 Độc đáo kiến trúc cổ xưa

Đến Bình Dương hôm nay, hình ảnh ấn tượng với mọi người là những con đường rộng thênh thang, các khu công nghiệp rộn tiếng máy reo, những công trình lung linh ánh điện, những khu đô thị xanh mát rộn vui… Bên cạnh những vẻ đẹp hiện đại, Bình Dương còn có bề dày lịch sử hơn 300 năm, với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ cẩn thận. Vì vậy, khi nhà cổ Trần Văn Hổ được “trình làng” trong chương trình “Tôi yêu Bình Dương” đã khiến nhiều độc giả bị cuốn hút vào những vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo.

Ngôi nhà xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái gồm 36 cột tròn. Trên nóc nhà có hồi văn, hình bát quái. Loại nhà này có nhiều ưu điểm so với các nhà cổ truyền thống khác ở chỗ có bộ khung sườn cứng cáp, lòng nhà rộng rãi. Kết cấu bộ vì kèo theo kiểu nối cột cái với cột con bằng “giả thủ” tạo không gian thoáng đãng, hệ thống kẻ ngòi phong phú (theo lối kẻ ngòi đãng: Ngắn, ráp, nối nhau) gắn chặt xà, kẻ, bẩy vào đầu cột theo không gian 3 chiều. Kẻ, bẩy vươn qua không gian, ăn mộng vào đầu cột tạo cho nghé kẻ thêm phần vững chắc ở điểm nối giữa nách và cột. “Bẩy” (đầu kèo) ở đây được chạm thẳng vào cục gỗ “tứ linh”, xà nách thì chạm tứ thời, kẻ ngòi (thân kèo) thì ngoài chạm ra còn tạo hình dáng uốn lượn trông mềm mại. Mảng giữa tường và khánh thờ là các bức hoành phi được sơn son thếp vàng, các bức liễn bằng những câu đối cẩn xà cừ đính trên cột.

Theo bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “đinh”, tổng diện tích xây dựng là 200m2, kiểu nhà được người dân Thủ Dầu Một xưa rất ưa thích. Trước sân được che phủ bởi cảnh thiên nhiên thu nhỏ của vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ được trang trí đầy đủ cảnh sinh hoạt “Ngư - Tiều - Canh - Mục”. Ngôi nhà có dáng dấp nhìn từ ngoài vào hơi thấp, với mái ngói rêu phong, tạo cảnh sắc thiên nhiên của sự cổ kính, thanh tịnh, tách hẳn với ồn ào náo nhiệt của cảnh phố chợ bên ngoài.

Chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận khi bước vào trong ngôi nhà, anh Huỳnh Văn Thắng (ngụ tại phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An) cho biết, tôi rất ấn tượng với cách bài trí các vật dụng, trang trí hoa văn và các câu liễn, đối. Điều này không chỉ phản ánh nếp sống sinh hoạt của người Bình Dương trước đây, mà còn thể hiện sự sung túc cũng như địa vị của gia chủ. Nguyên vật liệu toàn là gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ, sến, mật… được sử dụng bài trí lớp lớp, từ mái nhà xuống cửa võng và cả bậc ngạch. Từ những song gỗ, đường nét ô vuông đến các mảng phù điêu đều được bố trí đối xứng đến từng chi tiết, tạo nên bề thế trang nghiêm, thể hiện phong cách vương quyền.

Hội tụ tài hoa đất Thủ

Dù đã đến nhiều lần hay lần đầu biết đến nhà cổ Trần Văn Hổ, các độc giả đều có chung một cảm xúc thích thú khi tham quan di tích hàng trăm năm tuổi này qua chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Sự trải nghiệm mới lạ, có phụ đề bằng tiếng Anh càng khiến người xem hiểu rõ hơn về những ngành nghề truyền thống của địa phương. Ông Lê Hoàng Đức (ngụ quận 3, TP.Hồ Chí Minh) cho biết,

 thông qua tập 6 của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”, ông đã biết thêm về nét độc đáo của ngôi nhà cổ này là lớp cửa thứ hai, thể hiện ở những nét chạm nổi, khắc chìm, khắc lộng trên các khung cửa, cánh cửa. Tất cả những lối trang trí, hoa văn, câu đối bên trong ngôi nhà đã thể hiện tài nghệ chạm, khắc tinh tế của người thợ gỗ xưa trên đất Bình Dương.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, phần giàu có nhất của ngôi nhà được thể hiện ở vật trang trí từ các bộ bàn ghế, tủ chè, tủ thờ, hoành phi, câu đối, trường kỷ, ván nằm (dạng nguyên khối gỗ) có niên đại cổ xưa và giá trị nghệ thuật, kinh tế cao. Ngoài chất liệu gỗ được sử dụng như sao, gõ, huỳnh đàn, cẩm lai, mật…, việc được chạm trổ với các kiểu nghệ thuật khác nhau: Chạm lọng, chạm nổi, khắc, chạm giũa thật tinh xảo khiến hệ thống các hiện vật trong trang trí nội thất đều nâng lên được giá trị đặc biệt về mỹ thuật lẫn niên đại.

Qua những nét đặc trưng nổi bật về trang trí mỹ thuật của kiến trúc nghệ thuật dân dụng, ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ là sự hội tụ mọi yếu tố văn hóa khác nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng, về kinh tế - xã hội thời bấy giờ. Với nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc, ngôi nhà tồn tại trên vùng đất trù phú (Phú Cường) đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc gỗ ở thế kỷ XIX, mang phong cách đặc trưng của địa phương đất “Thủ” - Bình Dương ngày nay.

 Với những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật gỗ còn lưu giữ, di tích nhà cổ Trần Văn Hổ đã trở thành điểm đến khám phá, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm thú vị với du khách gần xa. Hiện nay, di tích được Ban Quản lý di tích tỉnh quản lý và khai thác phát huy tác dụng giá trị nghệ thuật quý giá ấy. Giá trị của ngôi nhà được bảo tồn và trùng tu, tôn tạo ngày một đẹp hơn. Hàng năm, ngôi nhà đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng và nghiên cứu.

 MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=678
Quay lên trên