Kiệt quệ vì con bệnh...
Thứ năm, ngày 20/09/2012
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh chị xây xong để lởm chởm chưa kịp tô quét gì. Trong nhà cũng không có vật dụng gì đáng giá. Chị Huệ buồn bã nhìn con: “Xây xong nhà mới phát hiện con bệnh chứ không cũng ở trong cái lều tạm để tiền lo chữa bệnh cho con. Giờ còn nợ mấy chục triệu đồng nữa nhưng không biết chạy đâu để trả”...
Gia đình anh chị Đỗ Tấn Minh - Cao Thị Huệ ở ấp Phú Trung, xã Phú Chánh, Tân Uyên thuộc diện hộ nghèo. Anh làm bảo vệ lương tháng chưa tới 3 triệu đồng. Chị Huệ làm lao công thu nhập 90.000 đồng/ngày. Tuần nghỉ 2 ngày thứ bảy, chủ nhật nên chị đang liên hệ thêm một công ty khác đến dọn dẹp để tăng thu nhập. Tổng cộng anh chị có trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này để lo chuyện ăn uống cho một gia đình 4 miệng ăn đã khó huống gì chăm sóc người bệnh. Thế mà 2 đứa con của họ đều bị bệnh thận. Thằng anh đã chạy thận nhân tạo hơn 2 năm nay. Đứa em cũng bị thận, chưa đến nỗi chạy thận nhân tạo nhưng phải uống thuốc thường xuyên. Nỗi lo hằn lên ánh mắt hai vợ chồng anh chị khi kể về hoàn cảnh quá ngặt nghèo của mình.Con đầu chị Huệ là Đỗ Tấn Cần, năm nay 17 tuổi nhưng nhìn như một đứa trẻ dưới 10 tuổi. Em ho hen, xanh xao và bị chóng mặt, ngất bất cứ lúc nào vì bệnh thận, vì tụt huyết áp. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi biết số tuổi của em, chị Huệ đưa giấy tờ, hộ khẩu cho tôi coi. Chị kể mà rưng rưng nước mắt: “Nó đi học bình thường. Học đến lớp 6 thì một lần tôi phát hoảng khi thấy con đi tiểu ra máu. Đưa lên Bệnh viện Nhi đồng I nằm điều trị thời gian bác sĩ cho chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng II. Nhưng nghe phải có số tiền 20 triệu đồng mới được điều trị, vợ chồng tôi đành đem con về vì không có tiền. Thằng bé cứ bệnh riết nên chúng tôi cho nó uống thuốc nam. Bệnh trở nặng nên đến cuối năm 2009, tôi đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hơn 2 năm nay cháu phải chạy thận 3 ngày/tuần. Trước đây, chưa có thẻ bảo hiểm còn tốn kém nữa. Mới đây cháu có bảo hiểm cho người nghèo nên đỡ hơn. Tuy nhiên để có tiền thuốc, tiền lo cho cả nhà ăn uống hàng ngày chúng tôi phải luôn chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi”... Để lo cho 2 con chữa bệnh, anh chị Minh tuy đi làm nhưng vẫn lo con có mệnh hệ gìAnh Minh nghẹn ngào nói thêm rằng, đi làm vậy chứ không yên chút nào. Anh luôn nơm nớp lo sợ ở nhà con có chuyện gì. Bác sĩ lại bảo vợ chồng anh chị... chuẩn bị tinh thần làm anh càng lo lắng và thương con nhiều hơn. Anh cứ sợ nó “bỏ ba mẹ mà đi” bất cứ lúc nào. Thằng bé cứ vào ra dật dờ như cái bóng trong nhà. Đến hẹn chạy thận, mẹ nó phải chở con đến bệnh viện, để đó về đi làm, 4 tiếng đồng hồ sau quay lại đón. Có lẽ, không ai nghe mà không khỏi chạnh lòng khi anh chị ấy nói: “Sau mỗi đợt chạy thận, bác sĩ nói về bồi dưỡng cho con nhưng tiền đâu mà bồi dưỡng. Tiền đâu mà mua trái cây, mua thịt cho anh em nó ăn thường được?”. Bệnh án của Cần ghi: suy thận mạn tính thời kỳ cuối, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng II từ tháng 6-2010, chạy thận nhân tạo định kỳ... Bà con ở ấp Phú Trung cho biết, với tình cảnh của vợ chồng họ thì “từ nghèo đến quá nghèo” chứ không thể thoát nghèo được khi con cái bệnh tật như thế. Dù có bảo hiểm người nghèo nhưng thu nhập thấp lại phải tốn tiền triệu cho con lớn chữa bệnh, mua thuốc cho thằng con nhỏ là cả một gánh nặng đối với gia đình này. Chị Nguyễn Thị Tô, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Chánh nói: “Chị Huệ là hội viên Hội Phụ nữ. Anh Minh là bộ đội chiến trường Campuchia phục viên nên sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh. Đoàn thể, chính quyền xã cũng quan tâm giúp đỡ nhưng trường hợp này quả là quá khó khăn. Trước, Hội Cựu chiến binh có vận động vài triệu đồng ủng hộ anh Minh. Hội Phụ nữ cũng chỉ biết tặng sách vở, quà cho đứa nhỏ đi học”... Hiện, 2 anh em Cần và Phúc được nhận trợ cấp 680.000 đồng/tháng nhưng vẫn là “muối bỏ bể” khi phải đối mặt với căn bệnh nan y. Và, những người nghèo khó, bệnh tật này rất cần sự cưu mang của xã hội. Mong bạn đọc hảo tâm hãy đến địa chỉ này. Đến ấp Phú Trung gần chợ Phú Chánh A, hỏi nhà chị Huệ có 2 con trai bị bệnh thận bà con sẽ chỉ đường cho bạn. Bởi, một khi, chia sẻ dù ít nhiều cho 2 anh em có chút tiền chữa bệnh, cho bữa ăn của em có chút thịt, cho em được ăn trái cây... chắc chắn, lòng bạn sẽ thấy vui.QUỲNH NHƯ