Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể lập mốc lịch sử 400 tỷ USD

Cập nhật: 07-09-2024 | 06:48:29

Kinh tế 8 tháng năm nay tiếp tục quá trình phục hồi của những tháng đầu năm, với dấu ấn đậm nét khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay có thể lập mốc lịch sử 400 tỷ USD.


Xe container chở hàng hóa qua cầu tàu trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kinh tế tháng Tám và 8 tháng năm nay tiếp tục quá trình phục hồi của những tháng đầu năm, với dấu ấn đậm nét của động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay có thể lập mốc lịch sử 400 tỷ USD.

Cùng với tư duy mới, cách làm mới nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây tạo đà thúc đẩy tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2024.

Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế tháng Tám vừa qua và 8 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Nhiều tổ chức quốc tế đều nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1% và năm 2025, 2026 đạt 6,5%; UOB dự báo tăng trưởng vượt 6%; HSBC dự báo tăng 6,5%...

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Ngành công nghiệp tiếp tục quá trình phục hồi. Chỉ số IIP 8 tháng năm nay tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 08 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ (7 tháng tăng 4,12%), trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.

Cũng trong 8 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 47,8% kế hoạch năm, tuy vẫn thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức đạt kế hoạch trong 8 tháng năm 2023.

Số liệu tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng năm nay được Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/9 cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm nay ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Xuất khẩu hàng hóa tháng Tám và 8 tháng đang thực hiện vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu mấy tháng gần đây đều đạt tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong 4 tháng còn lại của năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước lập mốc lịch sử mới 400 tỷ USD, vượt xa mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD).

Những kết quả nổi bật của kinh tế

Tháng Tám và 8 tháng thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt, xử lý những bất cập chồng chéo trong môi trường pháp lý, với tư duy đổi mới, phương pháp, cách tiếp cận khác hẳn so với cách làm trước đây của Thủ tướng Chính phủ và địa phương trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đã rút ngắn thời gian thi công từ 3-4 năm xuống còn 7 tháng. Đây là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tạo sự lan toả và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của nền kinh tế.

Chính phủ quyết liệt hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Đến nay, đã đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới.

Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực, với tinh thần cải cách, đổi mới, đột phá trong tư duy, cách nghĩ, cách làm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/2024, đồng thời đã ban hành và chỉ đạo ban hành 121 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…

Trong 8 tháng, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm khoảng 187 nghìn tỷ đồng. Gói 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội tiếp tục được đôn đốc, thúc đẩy giải ngân; quy mô gói 30.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản được nghiên cứu mở rộng.

Phát huy các động lực tăng trưởng

Bên cạnh những yếu tố tích cực, sức mua của thị trường trong nước vẫn còn yếu, tăng thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm ngoái tăng 10,3%), loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm ngoái tăng 8%).

Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị trường thế giới và trong nước, rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá, đồng thời phải đáp ứng nhanh hơn các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.

“Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp như tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm trong thời gian tới, thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội…

Cùng với đó, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. Khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện.

Mới đây, tại cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 29 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư mới có thể xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

“Đến giữa tháng 9/2024, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo kết quả rà soát, phân loại các dự án đầu tư công theo nhóm đang thực hiện với cam kết tiến độ rõ ràng; nhóm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế, chính sách pháp luật; từ đó đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao hoặc phân bổ thêm vốn cho các dự án có khả năng hấp thụ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặt khác, Chính phủ và các địa phương cần tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù, kích hoạt lại và khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này.

Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu…

Cùng với đó, theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Chủ động phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm. Đặc biệt, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến lương thực, thực phẩm, xăng dầu..., nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, ngập lụt; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá...

Để doanh nghiệp phát huy các động lực tăng trưởng, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chính phủ cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ.

Bên cạnh đó, tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=629
Quay lên trên