Trong tháng 8-2011, tình hình xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhìn chung khá tốt, các mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu (NK) vẫn tiếp tục tăng cao hơn XK với mức gần gấp đôi. Giày da chiếm vị trí thứ 3 trong kim ngạch xuất khẩu
Dệt may tiếp tục đứng đầu
Theo Sở Công Thương Bình Dương, trong tháng 8-2011, kim ngạch XK ước thực hiện 937,7 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 158,4 triệu USD, tăng 1,8% so với tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 779,2 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng trước. Như vậy, các DN trong nước vẫn còn kém rất xa so với DN có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ tăng chưa bằng một nửa. Còn trong tháng 7 trước đó thì khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch XK đạt 1 tỷ USD, tăng tới 10,8%, gấp nhiều lần so với tháng 8. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 7 cũng đạt 3,9 tỷ USD, tăng tới 22%, trong khi đó tháng 8 chỉ tăng có 3,9%.
Kim ngạch XK của các mặt hàng chủ lực trong tháng 8 thì dệt may vẫn tiếp tục đứng đầu với 123 triệu USD (tăng 3,8%); tiếp theo là sản phẩm gỗ 121,6 triệu USD (tăng 2,8%); giày dép 79 triệu USD (tăng 2,5%); sản phẩm bằng plastic 19,8 triệu USD (tăng 2,5%); thủ công mỹ nghệ 10,2 triệu USD (tăng 2,6%); hàng điện tử 24,1 triệu USD (tăng 3,1%), mủ cao su đạt 20.872 tấn (giảm 1,2%) so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8-2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện được 5.034 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 50,2% so với kế hoạch dự kiến năm 2011. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 1.009,2 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 4.024,7 triệu USD, tăng 4% so với năm 2010.
XK vào các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, trong đó Trung Quốc tăng cao nhất với mức 57,7%, tiếp đến là EU với 47,1%, Nhật Bản tăng 23,1%, Mỹ tăng 20,1% và khu vực ASEAN tăng 19%.
Theo các DN XK, năm 2011 do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, lãi suất tín dụng tăng, lương công nhân tăng và thiếu lao động nên đã tác động xấu đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Nhà nước cần có những chính sách kinh tế kịp thời và hiệu quả để kiềm chế tình hình lạm phát và lãi suất ngân hàng như hiện nay, có những chính sách ưu tiên cho DN sản xuất hàng XK. Đối với các DN XK gỗ, Bình Dương là tỉnh có thế mạnh, giá trị XK các sản phẩm đồ gỗ trong các năm qua đều chiếm tỷ lệ rất cao so với cả nước. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, mặc dù kim ngạch XK vẫn tiếp tục tăng nhưng các DN vẫn đang phải chinh phục thị trường nội địa để vững vàng hơn.
Nhập khẩu tăng do giá tăng
Kim ngạch NK tháng 8-2011 của các DN trên địa bàn Bình Dương ước thực hiện 830,2 triệu USD, tăng 7,1% so tháng trước và tăng 32,4% so với cùng kỳ. 8 tháng năm 2011, kim ngạch NK ước thực hiện 4.390 triệu USD, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2010 và đạt 50,5% kế hoạch.
Trước đó, kim ngạch NK trong tháng 7 của các DN Bình Dương ước thực hiện 724,7 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 27,5% so với cùng kỳ. Như vậy, trong khi XK chỉ tăng 3,6% nhưng NK đã tăng tới 7,1% so với tháng trước. Các mặt hàng NK có mức tăng cao trong tháng 7 là bột giấy (tăng 350%), điện tử (tăng 46,7%), tơ sợi dệt tăng 43,6%, hóa chất tăng 31,4%. Theo nhận định, kim ngạch XK trong tháng 7 đạt khá cao là do các DN đã hoàn tất các hợp đồng ký kết từ đầu năm, còn bước sang những tháng tiếp theo là bắt đầu những hợp đồng mới.
Trong khi đó, theo nhận xét của Bộ Công Thương thì, ngành dệt may sản xuất có xu hướng chững lại do giá nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên biến động nhiều. Tính đến hết tháng 7, sản xuất nguyên liệu vải dệt từ sợi bông chỉ tăng 1,4% nhưng vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 20,5%, sản xuất quần áo cho người lớn tăng 14,9% so với cùng kỳ. Còn ngành da giày ổn định và tăng nhẹ do giá nguyên phụ liệu NK tăng trên 20% so với cùng kỳ. Riêng ngành giấy đang được đẩy mạnh sản xuất để phục vụ năm học mới 2011-2012 nên lượng giấy trong tháng 7 ước đạt 181.000 tấn, tăng 10% so với tháng 6 và tăng 11% so với tháng 7-2010, tức so với cùng kỳ năm trước. Nhờ chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn cung và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường nên giá giấy trong tháng ổn định, đặc biệt là mặt hàng giấy in, giấy viết.
Xét về giá và lượng NK tăng so với trước, Bộ Công Thương cũng cho rằng, do có nhiều mặt hàng có khối lượng và giá NK tăng. Các mặt hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng đều tăng, trong đó có những mặt hàng tăng mạnh như: bông tăng 97,7%, lúa mỳ tăng 70,5%, phân bón tăng 63,9%, xăng dầu các loại tăng 58,5%, cao su các loại tăng 54,2%, sợi các loại tăng 51,8%... đã tác động đến kim ngạch NK trong tháng 7 vừa qua và không loại trừ trong tháng 8.
K.TÂN